Theo hình ảnh đám mây phóng xạ được tính toán cho các ngày 31-3 và 1-4 tại khu vực Đông Nam Á, tổ công tác nhận định, phần đám mây chính vẫn chưa vào thềm lục địa Việt Nam nhưng có xu hướng bị chia nhỏ và phát tán rộng ra khu vực Đông Nam Á và bay tản mạn trong khu vực giữa Philippines, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ “rất khó phát hiện ảnh hưởng của nó đến nền phông phóng xạ hiện tại ở Việt Nam” vì nồng độ hạt nhân phóng xạ được bảo vẫn rất nhỏ.
Liên quan số liệu đo phóng xạ trong không khí tại Việt Nam, kết quả kiểm xạ môi trường tại các trạm quan trắc hai ngày qua cho thấy tiếp tục phát hiện đồng vị phóng xạ Ioddine-131 (I-131) tại các trạm trên toàn quốc, trong đó có một trạm ở tỉnh Ninh Thuận với hoạt độ riêng là19,2 ± 7,6 MBq/m3 .
Trong khi đó, tại trạm Hà Nội, nồng độ I-131 tăng hơn gấp ba lần so với hôm đầu tiên phát hiện đồng vị này (83,3 MBq/m3 ngày 30-3 so với 24,2 mBq/m3 ngày 28-3. Ngoài I-131, trạm Hà Nội còn phát hiện hai đồng vị phóng xạ mới là Cs-137 và Cs-134, các nhân phóng xạ của phản ứng phân hạch của nhà máy điện hạt nhân.
Trên phạm vi quốc tế, I-131 đã được phát hiện tại một số trạm ở Trung Đông như Kuwait và Bắc Phi. Trạm tại Mông Cổ cũng phát hiện được I-131 trong ngày 27-28-3. Tại Nhật Bản, ngày 28-3, phóng xạ I-131 đo được trong đất được báo cáo có tại 12 tỉnh và Cs-137 tại chín tỉnh.
Lượng phóng xạ đo được cao nhất là tại tỉnh Fukushima: 23.000 Bq/m2 (I-131) và 790 Bq/m2 (Cs-137). Lần đầu tiên tại tỉnh Saga, cách nhà máy 1.077km, phóng xạ I-131 cũng được phát hiện trong đất.