May nhờ có ông

May nhờ có ông
TP - Ông Đam là bác sĩ có tiếng trên bệnh viện tỉnh, sau khi nghỉ hưu ông về mở một hiệu thuốc nhỏ ở đầu làng. Thế mà, tháng sau, nhắc đến ông ai cũng tỏ ra khó chịu.

Hỏi ra mới biết, hễ có ai đến mua thuốc là ông đều hỏi đơn, không có đơn thì dù đau đầu, sổ mũi, hắt hơi, hay đau chỗ nào ông cũng hỏi cặn kẽ các triệu chứng, ghi chép tỉ mỉ vào một quyển sổ rồi mới bán thuốc cho.

Mỗi lần đến mua phải trả lời một lô những câu hỏi: “Bị làm sao?”, “Ốm lâu chưa?”, “Đau  như thế nào?”, “Trước đây có bị bệnh gì chưa?”, “Từng dùng những loại thuốc nào?”.

Từ chỗ mừng về việc không phải lên tận thị trấn mua thuốc, dân làng dần trở nên bực dọc: “Đồ hâm hấp, đồ gàn dở. Cứ làm như một mình nhà ông mới có thuốc bán không bằng. Lên thị trấn chỉ sợ thiếu tiền, chứ muốn mua bao nhiêu mà chẳng được. Có ai vặn vẹo như thế bao giờ”.

Thế là sau vài tháng mở cửa, hiệu thuốc nhỏ của ông Đam rơi vào cảnh “vắng như chùa bà Đanh”.

Hôm ấy, bà Lĩnh cùng xóm bỗng đau bụng dữ dội, đứa cháu gái mặt tái mét chạy sang nhà nhờ ông Đam. Hỏi đứa cháu vài câu, biết tình thế nguy kịch, ông vội vã gọi xe chuyển bà lên bệnh viện tỉnh. Chậm chút nữa là bà không giữ được tính mạng.

Do cả tuần nay bà bị đau nhức chân tay, thấy bà hàng xóm cùng cảnh khoe vỉ thuốc cô con gái mới mua cho uống vào đỡ đau hẳn, bà mượn mẫu, nhờ đứa cháu lên thị trấn mua hộ. Uống hết hai vỉ thuốc, thì thành ra thế.

Ông cho biết, thuốc ấy tốt cho bệnh thấp khớp nhưng không dùng được cho người có tiền sử đau dạ dày.

Từ hôm đó, ông Đam lại là chủ đề của những câu chuyện ngoài bờ ao, trên đồng ruộng hay trong bàn trà, bàn rượu. Người ta bảo, giá tất cả những người bán thuốc đều giống như ông bác sĩ Đam làng Mài thì tốt biết bao. May nhờ có ông! 

MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.