Máy bay made in Việt Nam ra đời từ gần 30 năm trước

Máy bay made in Việt Nam ra đời từ gần 30 năm trước
TP - Không phải “Hai Lúa” như một số tờ báo đã từng thông tin mà chính một nhóm cán bộ, kỹ sư quân đội hồi cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, mới là những người thiết kế những chiếc máy bay đầu tiên ở Việt Nam.     
Máy bay made in Việt Nam ra đời từ gần 30 năm trước ảnh 1
Đại tá - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hải

Bảo tàng Phòng không- Không quân những ngày này đang gấp rút tổ chức trưng bày chuyên đề về quá trình thiết kế, chế tạo chiếc máy bay đầu tiên ở Việt Nam.

Khi người viết bài báo này ghé thăm bảo tàng một ngày trung tuần tháng 7, các anh chị ở đây đã nhiệt tình giới thiệu đến gặp Đại tá - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hải, nguyên Trưởng phòng Thiết bị Hàng không của Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân (KTPK-KQ), người đã tham gia thiết kế những chiếc máy bay đầu tiên ở Việt Nam.

Trong một căn nhà rộng rãi ở phố Tô Vĩnh Diện, quận Thanh Xuân, Hà Nội, ông Hải nhớ lại: Lúc đó là sau giải phóng, năm 1976, tôi và anh Trương Khánh Châu-Viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự không quân  (sau này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đang làm nghiên cứu sinh ở Học viện Giu-cốp-xki, Liên Xô, chuyên ngành máy bay.

Lần đầu tiên, triển lãm trưng bày “Những chiếc máy bay đầu tiên do người Việt Nam thiết kế và chế tạo” sẽ được Bảo tàng Phòng không- Không quân (171 đường Trường Chinh, Hà Nội) tổ chức vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm nay.

Thời gian ấy, có đoàn cán bộ cao cấp quân sự của ta sang thăm Liên Xô, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu. Cụ Giáp đã cho gọi anh Trương Khánh Châu tới và gợi ý, các cán bộ kỹ thuật của ta nên chú ý tiếp thu những kiến thức học được để sớm nghiên cứu, chế tạo máy bay, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng  của nước nhà. Anh Châu đã khắc ghi và chia sẻ với tôi. Năm 1977, chúng tôi  hoàn tất quá trình bảo vệ luận án tiến sĩ và trở về nước.

Sau khi có nghị quyết của Quân ủy, tháng 3/1978, chương trình thiết kế và chế thử máy bay loại nhỏ được xác lập. Chủ nhiệm chương trình là anh Trương Khánh Châu; Phó Chủ nhiệm  là tôi và anh Cao Văn Bình. Tôi kiêm Trưởng phòng Thiết kế và anh Bình là Xưởng trưởng Xưởng chế thử.  Lúc đầu có tất cả 14 sĩ quan  gồm 12 kĩ sư hàng không và 2 kĩ sư cơ khí tốt nghiệp Bách khoa .

Phần lớn là các kĩ sư học giỏi hoặc có nhiều kinh nghiệm trong công tác sửa chữa hoặc sử dụng máy bay. Cụ thể, có thể kể đến tên các anh: Nguyễn Quang Tiến, Nguyễn Duy Tộ, Lê Kiên Thành, Võ Điện Biên, Trần Mạnh Chung, Lê Đình Cương, Đồng Văn Thông  v.v…..

Đặc biệt, đội ngũ thiết kế  còn có sự tham gia với vai trò cố vấn của ông Võ Văn Phúc - Việt kiều Pháp, một công trình sư  thiết kế kết cấu máy bay có tiếng của Pháp. Ông đã từng  học làm việc ở một hãng hàng không lớn ở Pháp từ năm 1936.

Nặng lòng với quê hương,  ông Phúc rất nhiệt tình và đã dành nhiều thời gian về nước, giảng dạy thêm cho anh em chúng tôi. Về nguyên lý kỹ thuật chung thì chúng tôi  đều đã nắm được. Nhưng, đi sâu vào chi tiết  về thiết chế và chế thử thì một số kinh nghiệm lâu năm của ông Phúc quý giá hơn bao giờ hết.

…đến những thành công lịch sử

Máy bay made in Việt Nam ra đời từ gần 30 năm trước ảnh 2
Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng chụp ảnh kỷ niệm với các cán bộ Viện KTKQ và nhóm thiết kế (TS Nguyễn Văn Hải hàng đứng thứ tư từ trái sang) ngày 24/7/1984

“Trong bối cảnh nước ta bấy giờ bị cấm vận, nguyên liệu để chế tạo máy bay, ta lấy ở đâu”?- tôi hỏi. Ông Hải đáp: “Thực ra, cái khó nhất của chúng ta lúc đó là… chưa biết gì về sản xuất máy bay. Bao năm chiến tranh, bây giờ chúng ta mới có thời gian để nghiên cứu, sản xuất những trang thiết bị quân sự.  Nguyên liệu của chúng ta lúc đó rất dồi dào do chiến lợi phẩm mà ta thu được của địch. Vả lại, thời bao cấp, nên sản xuất không mất tiền, cứ xuất trong kho ra mà làm. Cái gì chế tạo được thì ta làm, cái nào có sẵn thì khai thác từ máy bay cũ, đơn giản thế thôi”.

Chiếc máy bay 4 chỗ ngồi của Pháp Realy được lấy làm mẫu . Xưởng thiết kế được lập tại 166 phố Hoàng Văn Thái (Hà Nội) bây giờ. Trước tiên, phải căn cứ vào yêu cầu về tính năng kĩ chiến thuật cần phải đạt được để tính toán thiết kế ra hình dạng khí động của máy bay . Sau đó, chuyển sang tính độ bền của các khâu chịu lực trong máy bay,  rồi tiến hành thiết kế kết cấu thân, cánh, khung  vỏ máy bay và thiết kế lắp đặt thiết bị. Công việc cuối cùng là vẽ các bản vẽ tổng thể, bản vẽ lắp ráp cụm nhóm và bản vẽ các chi tiết để gia công chế tạo.

Khâu khó nhất trong quá trình thiết kế và chế tạo là công nghệ gia công chế tạo mới các chi tiết của máy bay.Trong điều kiện máy móc  khan hiếm, công nghệ gia công chủ yếu bằng tay, các kỹ sư thiết kế và kỹ sư công nghệ phải phối hợp thật chặt chẽ với nhau để các chi tiết máy bay được thiết kế ra có thể gia công được.

Tuy nhiên, không thể tránh khỏi nhiều chi tiết rất khó gia công, nó đòi hỏi phải có máy ép chuyên dụng công suất lớn, những bộ khuôn kích thước lớn và độ chính xác cao. Các kỹ sư công nghệ cùng với những công nhân lành nghề đã có sáng kiến chế tạo ra máy ép thuỷ lực với lực ép hàng trăm tấn cùng với những bộ khuôn gỗ khuôn cao su để chế tạo ra những khung sườn máy bay theo đúng bản vẽ thiết kế.  Tuy vậy, có nhiều chi tiết phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Ví dụ để hoàn thành khung số 1, phải ép tới 14 lần mới thành công.

Sau 3 năm kiên trì thiết kế, chế tạo theo tiêu chuẩn Luật hàng không Liên bang Far-25 Mỹ, chiếc máy bay loại trinh sát liên lạc TL1 đầu tiên ra đời. Tháng 8/1980, chiếc máy bay được chế tạo xong và đưa  bay thử nghiệm tại sân bay Hòa Lạc. Phi công thử nghiệm là anh Nguyễn Xuân Hiển (sau này là Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không VN).

Mọi người khá hồi hộp. Trên sân bay, cứ 200m lại bố trí một cán bộ, kỹ sư đứng để quan sát chuyển động của máy bay. Trong lần  tăng tốc đầu tiên trên mặt đất, máy bay đã gặp trục trặc, càng trước lắc, làm gãy thanh đỡ càng. Cả nhóm thiết kế lại tập trung ngày đêm khắc phục. Và cho đến ngày 25/9/1980, chiếc máy bay đã cất cánh chuyến đầu thành công ở độ cao 200 m.

Ngay sau đó, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Văn Tiến Dũng đã trực tiếp xuống quân chủng kiểm tra và chúc mừng chiếc máy bay 100% do người Việt Nam chế tạo. Máy bay TL-1 đã hoàn thành chương trình bay thử với 10 chuyến bay và 102 phút trên không.

Máy bay TL1 đạt tốc độ 220 km/h, độ cao 1.400m, tuy nhiên chức năng làm mát động cơ yếu nên không dám bay cao hơn. Cung đường xa nhất là từ Hòa Lạc sang Gia Lâm dài 75 km. Sau khi hoàn thành chương trình bay thử, tháng 12 năm 1980, Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng đã xuống sân bay Hoà Lạc xem bay và động viên cán bộ và công nhân viên Viện KTKQ.

Tiếp nối thành công của TL1, Bộ Quốc phòng lại có yêu cầu thiết kế loại máy bay huấn luyện phi công. Nhóm thiết kế nhận nhiệm vụ tính toán lại hoàn toàn, từ khí động học, kết cấu thân vỏ…Tới 1984, chiếc máy bay huấn luyện HL1 được hoàn thành.

Có kinh nghiệm qua lần đầu chế tạo, nên khi thử nghiệm, HL1 đã bay ngon lành ngay trong lần đầu cất cánh. Máy bay HL1 đã bay hoàn thành tốt đẹp chương trình bay thử với đầy đủ 10 bài bay, 23 lần cất hạ cánh và 10 giờ bay trên không.

Máy bay made in Việt Nam ra đời từ gần 30 năm trước ảnh 3
Máy bay TL1

Kết quả bay thử cho thấy máy bay HL-1 có đầy đủ tính năng của một máy bay huấn luyện phi công. Máy bay có tốc độ bay bằng 275 km/h, trần bay đạt 4.500m, tốc độ bay lớn nhất đạt 356km/h, thời gian bay lớn nhất từ 2h30’ đến 4 h (có thùng dầu phụ), máy bay được trang bị 8 rốc két có thể tấn công mục tiêu. Ngày 24/7/1984, Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng  đã xuống sân bay Gia Lâm thăm và ra đường băng chúc mừng thành công của Viện và quyết định thưởng 1 chiếc ô tô loại  Latvia 12 chỗ  ngồi cho bộ phận thiết kế chế thử đi công tác.

Sau năm 1984, Bộ trưởng Quốc phòng chỉ thị cho Viện KTKQ nghiên cứu chế tạo máy bay cất hạ cánh cả trên mặt nước.Viện KTKQ đã thiết kế máy bay HL-2 để có thể vừa cất, hạ cánh trên mặt đất như máy bay huấn luyện HL-1, vừa lắp phao vào vị trí càng để cất, hạ cánh trên mặt nước.

Đến năm 1987, máy bay HL-2 đã chế tạo và bay thử xong phương án 1 cất hạ cánh trên mặt đất. Thời gian này do những hoàn cảnh khó khăn về kinh tế mà dự án chế tạo hàng loạt máy bay đã tạm dừng.

Nhưng theo ông Hải, mục tiêu của chương trình đã thành công: Chúng ta đã đào tạo được cán bộ kỹ thuật hàng không, làm nền tảng vững chắc cho ngành hàng không dân dụng nước nhà phát triển sau này.

MỚI - NÓNG