Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hãng dược nước ngoài khi tốc độ tăng trưởng luôn ở mức hơn 10% và 60% nhu cầu dược phẩm trong nước phải dựa vào nguồn nhập khẩu.
Đó cũng là lý do giải thích cho câu hỏi: tại sao buôn bán dược phẩm luôn là vấn đề nóng ở Việt Nam. Với hơn 13 nghìn bệnh viện, phòng khám đa khoa hoạt động, đây thực sự là kênh tiêu thụ thuốc tốt nhất tại nước ta. Bằng chứng cho thấy, tổng chi tiền thuốc của cả nước khoảng 3 tỷ USD được phân phối qua hệ thống này, tương đương với hơn 70% tổng chi thuốc của cả nước. Và người ta chỉ ra, con đường ngắn nhất để có được số tiền “khủng” ấy là thông qua đấu thầu.
Những phân tích từ các tổ chức về dược phẩm cho thấy, thuốc đến tay người bệnh Việt Nam thường thông qua 3 con đường chính, trong đó đấu thầu vào bệnh viện là con đường chủ yếu đồng thời là kênh chủ lực mà các nhà sản xuất, nhập khẩu và phân phối nhắm đến.
So với kênh phân phối ra chợ dược hoặc thông qua hệ thống phòng mạch và nhà thuốc, đấu thầu luôn là mảnh đất màu mỡ cho cả phía người bán và người mua, bởi số lượng tiêu thụ nhiều và ổn định. Đơn cử một bệnh viện ở TPHCM, mỗi năm đấu thầu thuốc từ 100-400 tỷ đồng. Và tất nhiên, doanh nghiệp trúng thầu thoải mái để tung tẩy về doanh số mà không vấp phải trở ngại nào. Đó cũng là lý do mà các hãng được sẵn sàng chi đậm để chạy theo kênh phân phối này. Dĩ nhiên, để gói thầu này được thuận chèo mát mái, trước đó các hãng được phải “đi đêm” với Hội đồng thầu bệnh viện và tìm mọi cách để thuốc của mình có trong danh mục thầu. Một chuyên gia trong lĩnh vực dược với kinh nghiệm 20 năm ngồi trong Hội đồng thầu bệnh viện thừa nhận “không ai trong sạch khi làm thầu thuốc” và ông dẫn chứng đã có những cuộc “đi đêm” giữa bệnh viện và đơn vị cung ứng khiến cho đấu thầu riêng lẻ vấp phải hàng loạt sai sót. “Hầu như người quyết định gói thầu là số ít lãnh đạo đồng thời là chủ tịch Hội đồng thầu”- ông nói thẳng. Đây cũng là lý do nhiều thuốc giá rẻ nhưng trúng thầu giá cao hoặc thuốc không đạt chất lượng như mong muốn.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, đấu thầu thuốc tập trung cũng được cho có nhiều bất ổn mà đơn cử là tại TPHCM, vụ việc VN Pharma tham gia đấu thầu cả thuốc kém chất lượng, thậm chí là thuốc nhập chuyên không được tham gia đấu thầu nhưng sau đó vẫn trúng thầu và phân phối về cho các bệnh viện. Dù được đánh giá đấu thầu thuốc tập trung mang lại nhiều lợi ích, trong đó giúp tiết giảm chi phí mua thuốc, tránh hỗn loạn mỗi nơi một giá… thì những bất cập của nó cũng không ít.
Như một chuyên gia về dược học chia sẻ, không có hình thức đấu thầu nào trong sạch tuyệt đối, nhưng cần phải lựa chọn hình thức ít tiêu cực nhất. Đấu thầu thuốc riêng lẻ tại các bệnh viện thì trường hợp có tiêu cực cũng chỉ xảy ra ở bệnh viện dễ kiểm soát, còn đấu thầu thuốc tập trung ở Sở Y tế nếu có xảy ra tiêu cực, sai sót thì ai kiểm soát? Câu hỏi này sẽ khó có được lời giải thích khi mà mảnh đất màu mỡ trong đấu thầu thuốc đang nằm trong tay các bệnh viện và nó luôn được các hãng được tìm mọi cách “dấm dúi” sau lưng.