Di dời và lợi ích

TP - Xử lý hàng chục nghìn m2 đất vàng trụ sở cũ của các sở ngành như thế nào? Đó là vấn đề thu hút sự quan tâm của công luận khi Hà Nội quyết định chuyển trụ sở hàng loạt ban ngành tại nhiều khu vực khác nhau về một khu liên cơ trên đường Võ Chí Công.

Ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị cần quản lý chặt chẽ quỹ đất này theo quy hoạch và tránh tình trạng “nhà đầu tư dẫn dắt quy hoạch”.

Theo ông Mai Xuân Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, toàn bộ quỹ đất sau khi di dời sẽ được sử dụng bán đấu giá lấy tiền đầu tư các khu liên cơ quan hiện đại, nhất định không có chuyện các sở ngành “ôm” đất vàng sau di dời hoặc giao lại cho các cơ quan khác làm trụ sở. Sở dĩ có sự lo ngại vì thực tế di dời trụ sở hàng loạt bộ ngành vừa qua đã không đạt mục tiêu như ban đầu. Nhiều bộ ngành đều tìm mọi cách để giữ lại trụ sở cũ hoặc giao lại cho các đơn vị sự nghiệp thuộc bộ quản lý.

Thậm chí như Thanh tra Chính phủ còn đề nghị xây chung cư cao tầng ngay trên đất di dời tại phố Đội Cấn vốn đã nổi tiếng bởi tình trạng tắc nghẽn. Thực trạng di dời trường đại học, bệnh viện ra ngoài xem ra còn bi đát hơn, sau mấy chục năm triển khai đến nay gần như vẫn “dậm chân tại chỗ”. Mục tiêu tăng quỹ đất công ích, công viên, phát triển hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông… khu nội đô lịch sử không biết bao giờ mới thành hiện thực.

Chính vì vậy, việc di dời sắp xếp lại trụ sở các cơ quan thuộc thành phố nhằm mục tiêu phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp của Hà Nội đang thực sự nhận được sự kỳ vọng. Thay vì phải đi đến hàng chục địa điểm khác nhau thì sắp tới người dân chỉ cần đến một địa chỉ. Chi phí vận hành, sử dụng trụ sở cũng hiệu quả hơn rất nhiều với hệ thống phòng họp, hội trường, đường truyền internet… sử dụng chung. “Trong khi nhiều địa phương xây khu trung tâm hành chính tốn kém rộng từ 20-30 ha thì Hà Nội chỉ xây khu liên cơ quan có 4.000 m2 đất để tiết kiệm chi phí”, ông Mai Xuân Vinh chia sẻ.

Hy vọng với giải pháp quyết liệt trong việc di dời, sắp xếp lại trụ sở ban ngành, Hà Nội sẽ thực sự là địa phương đi đầu vượt qua lợi ích riêng để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.