Lo cao ốc mọc trên đất vàng

TP - Theo nhiều chuyên gia, việc di dời các sở ngành đến một khu tập trung như cách làm của thành phố Hà Nội là điều cần thiết. Nhưng vấn đề quan trọng của “hậu” di dời là Hà Nội cần ưu tiên cho xây dựng các công trình công cộng phục vụ như trường học, công viên, thay vì xây cao ốc chất tải vào nội đô trên các trụ sở cũ.

Trao đổi với PV, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc di dời trụ sở các sở ngành của Hà Nội ra khỏi nội đô tập trung thành một khu là điều cần thiết, đáng lẽ phải làm từ lâu. Ông Tùng phân tích, thực tế trụ sở các sở ngành Hà Nội hiện nay đều được xây dựng từ lâu, tản mát mỗi nơi một kiểu cho nên sau quá trình mấy chục năm phát triển, nhiều trụ sở cũ không đáp ứng được lượng cán bộ, nhân viên, văn phòng ngày càng tăng. Hơn nữa, việc di dời cũng là một trong những biện pháp quan trọng để kéo giãn các cơ quan, đơn vị ra khỏi nội đô trong bối cảnh ùn tắc giao thông hiện nay, mật độ dân số trong nội đô quá tải.

Ông Tùng cũng cho rằng, đất là tài sản có giá trị lớn, cần được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Việc chuyển các cơ quan sở ngành thành một khu tập trung cũng là dịp để thành phố xử lý, sắp xếp nhà, đất của các đơn vị này để khắc phục tình trạng sử dụng sai quy định, lãng phí nguồn tài sản công. Đồng thời, để tạo nguồn lực từ quỹ nhà, đất nhằm phát triển kinh tế xã hội hay phát triển các công trình hạ tầng xã hội phục vụ người dân.

“Trụ sở các sở, ngành của Hà Nội hầu hết nằm nội đô, ở vị trí đẹp nên điều quan trọng mà dư luận quan tâm là thành phố giải quyết được bài toán hậu di dời. Tuyệt đối không được cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây chung cư, cao ốc ở các khu đất cũ, trụ sở cũ đi ngược lại với mục đích ban đầu đặt ra khi di dời trụ sở để giảm áp lực giao thông, hạ tầng ở khu nội đô mà dùng đất đó để đầu tư các công trình công cộng phục vụ người dân”, KTS Tùng nói.

Đừng để nhà đầu tư dẫn dắt

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, diện tích đất của các sở ngành Hà Nội đang sở hữu khác nhau, vị trí khác nhau nên bài toán quan trọng là các dự án, công trình thay thế sau khi di dời phải đáp ứng được yêu cầu đô thị khu vực đó. “Quan điểm của tôi là chúng ta chuyển đi đến một khu tập trung đồng bộ, tiện lợi. Để giảm áp lực về giao thông, bộ mặt đô thị đẹp hơn, phù hợp với quy hoạch chung, các dự án, công trình thực hiện sau khi di dời trên đất cũ phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu quy hoạch đô thị khu vực đó. Quy định về mục đích sử dụng, quy hoạch kiến trúc cũng phải rõ ràng ngay từ đầu, không thể để công trình mới lại gây áp lực về giao thông, mật độ xây dựng cao hơn công trình cũ”, ông Chính phân tích.  

Trả lời câu hỏi, nếu như vậy thì liệu các khu đất “vàng” sau khi di dời có còn hấp dẫn trong mắt các chủ đầu tư không, ông Chính cho rằng Hà Nội phải có chính sách đặc biệt với các khu đất “vàng” này. Có thể sử dụng vốn xã hội, vốn ngân sách, thậm chí vốn của doanh nghiệp đầu tư, nhưng tất cả phải đảm bảo nguyên tắc chung là khu đất sau khi di dời đó thành nơi làm việc, hay nơi vui chơi đều phải đảm bảo yêu cầu về quy hoạch.

Theo ông Chính, trước khi đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất hay mời gọi nhà đầu tư thành phố, có thể áp dụng các cơ chế ưu đãi nhằm bù đắp cho các chủ đầu tư các khu  này bằng việc cho phép họ được đầu tư xây dựng ở một vị trí khác. Điều quan trọng là có cần cơ chế nhất quán, mỗi nơi một kiểu; tránh tình trạng để nhà đầu tư dẫn dắt quy hoạch, dẫn dắt chính sách, làm sai lệch mục tiêu ban đầu.

MỚI - NÓNG