Với tình trạng kẹt xe khắp nơi và ngày càng trở nên trầm trọng, điều khó có thể đảo ngược và tất yếu, là phát triển hệ thống vận tải công cộng. Trong bối cảnh đó, quyết định dừng tuyến xe buýt nhanh BRT (bus rapid transit) có thể xem là dũng cảm nhưng lẽ ra phải được đưa ra sớm hơn. Bởi từng ấy thời gian nghiên cứu và xem xét cũng tiêu tốn kinh phí và quan trọng hơn là cơ hội phát triển các loại hình vận tải khác đã bị dự án buýt nhanh, được nói là có giá trị 144 triệu USD (hơn 3.270 ngàn tỷ đồng), cản ngáng.
Nhưng quyết định này, dù muộn nhưng vẫn rất cần thiết, bởi nó loại bỏ một nguy cơ tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng vào một dự án bị rất nhiều người phản đối và ít có cơ sở để thành công. Có thể nói, việc ngừng dự án BRT của chính quyền TPHCM nhiều phần được đưa ra sau khi chứng kiến những gì đã diễn ra đối với tuyến xe buýt BRT ở Hà Nội. Mặc dù một số chuyên gia thuộc ngành giao thông vận tải thủ đô vẫn lên tiếng bảo vệ BRT Hà Nội (điều đương nhiên), thực tế của tuyến xe trị giá hàng ngàn tỷ đồng đã phơi lộ nhiều bất cập và những vấn đề phải bàn.
Câu chuyện BRT TPHCM và Hà Nội một lần nữa cho thấy chúng ta phải hết sức cẩn trọng đối với các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức. Cả dự án BRT của Hà Nội và TPHCM đều được Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ. Nhưng Hà Nội quyết tâm triển khai, trong khi TPHCM đã kịp dừng lại (và cũng được các chuyên gia của World Bank đồng tình). Không phải cứ vay được tiền từ nước ngoài là dễ dàng rót vốn vào các đại dự án, nếu không chắc chắn về tỷ lệ thành công.
“Nguồn vốn tài trợ” nói trắng ra đó là vốn đi vay và con cháu phải trả. Rất cần thiết có những quyết định như đối với BRT của TPHCM, bởi chỉ cần một vài chữ ký phê duyệt thiếu cẩn trọng của vài người là hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng “qua cửa sổ”, như đã xảy ra với tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên.