Máu đông nợ xấu đang teo lại

Tái cơ cấu mang lại diện mạo mới cho ngân hàng. Ảnh: Trần Việt.
Tái cơ cấu mang lại diện mạo mới cho ngân hàng. Ảnh: Trần Việt.
TP - Sau 4 năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, dù vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng đến thời điểm này,  về cơ bản người dân và nền kinh tế có thể yên tâm hơn về  một diện mạo mới của hệ thống ngân hàng Việt Nam gọn ghẽ, an toàn, và có kỉ luật kỉ cương. Đặc biệt, cục máu đông nợ xấu đang teo lại.

Diện mạo mới

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho biết: Sau hơn 3 năm triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi (kinh tế vĩ mô kém ổn định, thị trường bất động sản trầm lắng, không sử dụng ngân sách nhà nước cho tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD…), với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị, kết quả tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đã và đang đi đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình.

Nhờ đó, dòng vốn của nền kinh tế từng bước được khơi thông trở lại, tín dụng ngân hàng được phân bổ hợp lý cho các mục đích sử dụng và phù hợp với định hướng đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội quốc gia bền vững. Kết quả cơ cấu lại các TCTD có tác dụng không chỉ làm lành mạnh TCTD mà còn tạo động lực cho tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường và đầu tư.

Xử lý nợ xấu trong điều kiện không dùng tiền từ ngân sách, tay không bắt giặc chỉ cho cơ chế mà không cho tiền, vậy mà tổ chức tín dụng vừa giải quyết được nợ xấu cũ, vừa thu được nợ mới đúng hạn. Đây là điểm khá đặc biệt để cho thấy trong quản lý kinh tế  sáng tạo “đánh du kích” đã giải quyết vấn đề.

TS Trần Du Lịch đánh giá

Nhìn nhận và đánh giá, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cải cách trong bối cảnh, lạm phát cao ngất ngưởng, kinh tế vĩ mô bất ổn, một số TCTD bên bờ vực của sự đổ vỡ và luôn đối mặt với vấn đề thanh khoản. Và giờ nhìn lại,toàn bộ quá trình tái cơ cấu ngân hàng về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu, định hướng, lộ trình được nêu tại Đề án 254.

TS  Lê Thẩm Dương, trưởng khoa Tài chính, ĐH Ngân hàng TPHCM khẳng định: quan sát quá trình tái cơ cấu của ngành ngân hàng, từ chỗ phản đối, tôi chuyển sang đồng tình và hiện nay là cảm phục. Chỉ ra lý do tâm phục khẩu phục, ông Dương nhấn mạnh: “không “tái” thì chắc chắn chết, đó là quy luật của sự vận động. Nhưng “tái” mà không đúng cách thì còn chết sớm hơn nhiều. Đến hôm nay, chúng ta chưa chết đã là thành công rồi, mà lại còn tái cơ cấu thành công nữa, đó là thành công nhân đôi”.

Máu đông nợ xấu teo lại

Tái cơ cấu, xử lý hàng loạt các ngân hàng yếu kém vốn đã gian nan, nhưng hệ thống ngân hàng cũng phải đồng thời lãnh trách nhiệm xử lý nợ xấu. Sau hơn 3 năm, cục máu đông của cả nền kinh tế đã tan dần. Nợ xấu từ mức 17,2% tổng dư nợ vào tháng 9 năm 2012 đã giảm về còn 2,93% tổng dư nợ (tính tới cuối tháng 9/2015), tức là qui mô nợ xấu- cục máu đông đã thu nhỏ gần 6 lần và hơn 97% số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012 đã được xử lý (Đề xử lý nợ xấu đặt ra mục tiêu xử lý cơ bản số nợ xấu tại thời điểm tháng 9/2012).

TS Trương văn Phước, Phó Chủ tịch UBGSTCQG cho rằng, một khối lượng nợ xấu của các TCTD đã được xử lý, chất lượng tín dụng được cải thiện. Kết quả xử lý nợ xấu nói trên đã góp phần quan trọng cải thiện thanh khoản, giảm lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm  trên, TS Trần Du Lịch, ĐB Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho biết, thứ nhất, năm 2012, nợ xấu là cục máu đông làm tắc nghẽn tín dụng toàn bộ nền kinh tế. Vậy bây giờ, tín dụng đã tăng được rồi. Tức là cái cục máu đông  đã teo lại. “Nó có thể chạy đâu đó, chuyện đó tính sau, nhưng ít nhất là tuần hoàn máu của nền kinh tế đã được khơi thông”, TS Lịch nói.

MỚI - NÓNG