TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) những ngày qua xôn xao vụ việc Giám đốc Cty CP Đầu tư Đại Dương (Cty Đại Dương) bị khởi tố hình sự vì có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản 4 tàu cá của ngư dân.
Theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, Cty Đại Dương thực hiện thủ tục đưa 8 tàu cá của ông Trương Văn Ngữ và Trần Hon (phường An Hòa, TP Rạch Giá) với mỗi người 4 chiếc sang Indonesia khai thác (theo sự cho phép của Tổng cục Thủy sản). Tuy nhiên, đang đánh bắt trên ngư trường, 4 chiếc tàu của ông Ngữ, ông Hon bị Cảnh sát biển Indonesia bắt giữ cùng 61 thuyền viên.
Nghe tin, hai ông tìm về địa chỉ: Số 634, Hùng Vương, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn (Bình Định), nơi Cty Đại Dương đăng ký để hỏi trách nhiệm nhưng không có đơn vị nào như thế.
“Sự phối hợp giữa các cơ quan chính quyền địa phương chưa đồng bộ. Dường như cán bộ chưa rõ chính sách mới, chúng tôi còn phải giải thích cho họ. Cần giải quyết vấn đề này để bà con nhanh chóng hưởng lợi từ chính sách mới” .
ông Trương Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá TP Rạch Giá
Ông Hon cho biết: Để làm hồ sơ đi khai thác hợp pháp trên ngư trường Indonesia, mỗi người đóng cho Cty Đại Dương 90.000 USD, sau 3 tháng đánh bắt đóng thêm 30.000 USD, tổng cộng 120.000 USD. Sự việc xảy ra, họ cầu viện tới các cơ quan chức năng trong nước và nước sở tại can thiệp, giải quyết. Song phía Cty PT Papua Fishery Development (Indonesia) không đồng ý trả tàu với lý do: Đã mua 4 chiếc tàu này từ Cty Đại Đương. Theo ông Ngữ, trong quá trình giải quyết vụ việc, họ phát hiện tàu của mình bị Cty Đại Dương bán cho Papua trước cả lúc tàu rời bến. Như vậy, ngoài nguy cơ mất trắng 4 con tàu trị giá hàng chục tỷ đồng, ông Ngữ và ông Hon còn mất trắng 240.000 USD. “Thậm chí, tôi còn phải bán tàu ở nhà gần 5 tỷ để chi trả các khoản phí giải quyết sự việc”, ông Hon bức xúc nói.
Vướng từ địa phương
Sự việc trên đã cảnh tỉnh ngư dân nơi đây sự cần thiết của việc mua bảo hiểm trước khi cho tàu ra khơi. Những người như ông Ngữ, ông Hon hiểu rõ hơn ai hết rằng họ cần được bảo vệ để an tâm bám biển, khai thác thủy sản. Hồi tháng 8, Bộ Tài chính ban hành 2 Thông tư hướng dẫn Nghị định 67 với nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính, như phí bảo hiểm tàu cá, ngư cụ, thuyền viên. Tuy nhiên, đến nay số ngư dân tiếp cận được chính sách mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sở hữu đội tàu đánh cá lên tới 9 chiếc, ông Nguyễn Văn Du (TP Rạch Giá, Kiên Giang) hồ hởi khi biết nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm lên tới 90% đối với tàu có công suất máy trên 400CV (như của ông), hay bảo hiểm tai nạn thuyền viên 70 triệu đồng/người/vụ. Thủ tục chuẩn bị gần hai tháng, nhưng vẫn chưa xong để ký được hợp đồng bảo hiểm. “Chỉ mong thực hiện được nhanh ngày nào, tốt ngày đó”, ông Du nói.
Theo đánh giá của Hiệp hội Nghề cá TP Rạch Giá, một số điều khoản quy định mua bảo hiểm vẫn gây ra sự băn khoăn cho ngư dân. Ví như quy định các tàu thuyền phải tham gia thành lập tổ, đội có 3 thành viên, xác nhận danh sách thuyền viên của chính quyền địa phương... Những điều kiện này, theo đánh giá của Hội, chưa sát với thực tế, nhưng với mong muốn tiếp cận chính sách mới, ngư dân cố gắng đáp ứng đúng, song lại vướng khâu xác nhận.
Còn các doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính chỉ định tham gia khẳng định đã sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ để ký hợp đồng. Tuy nhiên, các đơn vị này còn băn khoăn liên quan đến điều khoản bảo hiểm thuyền viên. “Thuyền viên đi trên tàu thực sự không ổn định.
Có trường hợp ra khơi rồi họ lại nhảy xuống biển sang tàu khác. Theo Nghị định 67, danh sách thuyền viên phải có xác nhận của địa phương, nên rất khó cho đơn vị bảo hiểm muốn so danh sách thuyền viên đã đăng ký với thuyền viên thực trên tàu để làm thủ tục bồi thường”, ông Đào Tuấn Kiệt (Trưởng phòng Bảo hiểm Hàng hải, Cty Bảo Việt Kiên Giang) nói.