Sau khi vụ việc xảy ra, Bộ NN&PTNT đã có công hàm, văn bản gửi Cục Quản lý Dược phẩm, Bộ An ninh, Bộ Y tế Hoa Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ giải trình về dư lượng chất Carbenzamin trong mật ong và việc tránh chuyển tải mật ong của Trung Quốc, đề nghị các cơ quan chức năng nước này xem xét giải quyết.
Theo Bộ NN&PTNT, phía Việt Nam đã ban hành các quy định về kiểm tra giám sát vệ sinh thú y trong sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn tình trạng chuyển tải mật ong và đảm bảo ATTP đối với sản phẩm này. Những quy định này đã gửi cho các cơ quan phía Hoa Kỳ, tuy nhiên, đến nay phía Hoa Kỳ vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào về vấn đề này. Dẫn đến, từ tháng 7 đến tháng 11-2011, gần 600 tấn mật ong Việt Nam bị phía Hoa Kỳ trả lại do nhiễm chất Carbenzamin, dù mức dư lượng thấp hơn rất nhiều so với quy định của Codex và EU.
Bộ NN&PTNT cho biết, đã có văn bản gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam để hợp tác giúp đỡ; đồng thời sẵn sàng mời đại diện cơ quan Bảo vệ Biên giới và Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ sang làm việc, xác minh rõ nguồn gốc xuất xứ và quy trình kiểm soát an toàn chất lượng sản phẩm mật ong xuất vào Hoa Kỳ.
Hiện Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của sản phẩm mật ong của Việt Nam. Trước đó, thị trường EU cấm nhập mật ong Việt Nam (do không tương đồng về pháp lý và giám sát an toàn đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam).
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam cho biết, sự việc trên ảnh hưởng rất lớn đến hơn 35.000 người nuôi ong Việt Nam. Năm 2011, Việt Nam xuất khẩu khoảng 27 nghìn tấn mật ong, với giá khoảng 2.400 USD/tấn.