Từ đề án 112:

Mất cả trăm tỷ đồng vì mua với giá 'cắt cổ'

Mất cả trăm tỷ đồng vì mua với giá 'cắt cổ'
TP - Không phải đến lúc cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bắt giam 9 cán bộ có liên quan Đề án 112, trong đó có ông Vũ Đình Thuần vào tối 13/9, những tiêu cực trong việc triển khai đề án mới lộ rõ.

>> Xung quanh đề án 112: Chỉ 'xẻo' hai dự án đã 'ăn' 3,4 tỷ đồng
>> Sẽ công khai kết quả kiểm toán Đề án 112

>>
Bắt giam nguyên Phó Chủ nhiệm VP Chính phủ Vũ Đình Thuần
>>
Trưởng ban điều hành Đề án 112: Ai đánh giá thế nào mặc kệ!

Thực tế trong 2 năm 2006 -2007, báo Tiền phong đã có loạt bài điều tra phanh phui những sai phạm nghiêm trọng khi triển khai thực hiện đề án này trên phạm vi cả nước.

Mất cả trăm tỷ đồng vì mua với giá 'cắt cổ' ảnh 1

Ném tiền qua cửa sổ

Từ tháng 2/2005, BĐH 112 ký hợp đồng với UBND các địa phương triển khai ồ ạt 3 phần mềm dùng chung, gồm hệ thông tin tổng hợp kinh tế xã hội (KTXH); hệ quản lý văn bản và hồ sơ (VBHS) công việc; trang thông tin điện tử phục vụ điều hành (Web), đồng thời hợp đồng với 18 Cty tin học triển khai cài đặt và chuyển giao quản trị vận hành hệ thống. Chi phí cài đặt được trích từ nguồn vốn ngân sách TƯ và các địa phương.

Đến cuối năm 2005, ba phần mềm dùng chung đã được cài đặt tại 40/64 tỉnh, thành. 966 điểm đã cài đặt xong phần mềm hệ thông tin tổng hợp KTXH; 787 điểm cài đặt xong phần mềm hệ quản lý VBHS công việc và 832 điểm đã cài đặt xong phần mềm trang thông tin điện tử Web.

Thứ trưởng Bộ CA Lê Thế Tiệm: Không có “vùng cấm” trong vụ án

Bên hành lang hội thảo về phòng, chống tội phạm trong bối cảnh toàn cầu hóa do Bộ CA tổ chức hôm qua, Thứ trưởng Bộ CA Lê Thế Tiệm cũng khẳng định, không có “vùng cấm” trong vụ án này, bất kỳ ai sai phạm cũng sẽ bị xử lý trước pháp luật.

Làm việc với Website Chính phủ chiều qua (14/9), Đại tá Nguyễn Huy Đức, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm tham nhũng Bộ Công an, cũng đã bước đầu cung cấp những thông tin về thủ tục điều tra vụ án, cũng như việc bắt giam nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP Vũ Đình Thuần.

Theo đó, ông Thuần đã bị khởi tố về 2 tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Đại tá Nguyễn Huy Đức, thời gian tới, CQĐT sẽ tiếp tục mở rộng điều tra toàn diện các dấu hiệu sai phạm trong việc thực hiện Đề án 112.

Thế nhưng tại 20 tỉnh, thành (gồm: TP Cần Thơ, Tuyên Quang, Lào Cai, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Nghệ An,…) có báo cáo xác nhận, phần mềm KTXH có 365/534 điểm, phần mềm VBHS có đến 295/450 điểm và trang Web phục vụ điều hành có 373/486 điểm đã cài đặt nhưng chưa vận hành được.

Tỷ lệ vận hành được đối với cả 3 phần mềm dùng chung KTXH, VBHS và Web là 34,08%, 36,67% và 34,97%.

Tại TPHCM, kết quả kiểm tra của Sở Bưu chính - Viễn thông (BCVT) cho thấy, phần mềm quản lý VBHS công việc có nhiều lỗi logic, thiết kế giao diện chưa chuẩn gây khó khăn cho việc nhập dữ liệu với số lượng lớn. Trang điều hành tác nghiệp thì chức năng đơn giản, sơ sài.

Theo điều tra của chúng tôi, Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) TPHCM đang sử dụng 2/3 phần mềm dùng chung.

Phần mềm “hồ sơ công việc” được cài đặt từ đầu năm 2006, sau hơn 1 năm sử dụng đã bộc lộ nhiều lỗi kỹ thuật, trong đó có hai lỗi cơ bản đến nay các chuyên gia CNTT Ban điều hành 112 TPHCM mời đến khắc phục vẫn đang “bó tay”. Đó là lỗi mất đường truyền thông tin luân chuyển gốc.

Việc truyền thông tin từ phòng ban này đến phòng ban khác không lưu lại dấu vết khiến các nhân viên tin học không thể tra cứu thông tin được.

Một lỗi kỹ thuật nghiêm trọng khác là phần mềm hay bị treo nên muốn tiếp tục sử dụng, các nhân viên buộc phải … tắt máy khởi động lại chương trình.

Một bất cập nữa là việc luân chuyển văn bản từ bộ phận văn thư của Văn phòng Sở đến bộ phận văn thư các phòng ban, đơn vị trực thuộc. Văn bản luân chuyển chỉ hiển thị tại một địa chỉ duy nhất là nơi nhận chứ không hiển thị ở bộ phận văn thư các phòng ban khác.

Do đó, so với phần mềm “luân chuyển công văn và hồ sơ công việc” Sở TNMT thuê Cty FPT viết vào đầu năm 2005 thì kém hiệu quả hơn hẳn.

Phần mềm dùng chung thứ hai là trang web điều hành Sở TNMT cài đặt từ tháng 2/2007 và dành để đưa các thông tin hoạt động trong hệ thống mạng LAN nội bộ.

Tuy mới sử dụng nhưng đã xuất hiện lỗi kỹ thuật là mỗi khi viết tin, bài xong thì không chèn được hình (minh họa).

Giá cắt cổ

Mất cả trăm tỷ đồng vì mua với giá 'cắt cổ' ảnh 2
Việc xây dựng các trang web thành viên trang City Web của Văn phòng UBND TPHCM (thuộc chương trình 112) có nhiều sai phạm

Đáng chú ý là, tuy cả 3 phần mềm là sản phẩm chưa hoàn chỉnh, cài đặt rồi … để đó nhưng các địa phương buộc phải chi trả chi phí cài đặt với giá cắt cổ là 25 triệu đồng/phần mềm/điểm.

Với 2.585 điểm đã cài đặt (tính đến cuối năm 2005), hơn 180 tỷ đồng đã bị chi tiêu một cách lãng phí, không hiệu quả.

Để vận hành hệ thống, BĐH 112 còn đào tạo kỹ năng cho hàng loạt cán bộ công chức các tỉnh thành với giá … cắt cổ. Theo kết quả kiểm tra của Sở BCVT TPHCM, học viên chương trình 112 cả nước được học và thực hành 8 môđun môn học trong 20 ngày.  

Chương trình đào tạo tương tự chứng chỉ A nhưng các địa phương phải trả từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/khóa học, cao gấp gần 10 lần so với bình thường.

Với khoảng 68.000 cán bộ trong cả nước được BĐH 112 cho đào tạo đại trà, tính toán của Sở BCVT TPHCM cho thấy so với chi phí đào tạo chứng chỉ A, nhà nước bị thiệt hại trên dưới 100 tỷ đồng. 

Việc áp đặt chương trình học cho tất cả các đối tượng, không phân biệt trình độ tin học vừa không khoa học, vừa gây lãng phí rất lớn cho Ngân sách Nhà nước.

MỚI - NÓNG