Tính bình quân 10 ngày qua, giá xăng nhập khẩu giảm trên dưới 8%, còn tính trong vòng một tháng qua, giá xăng giảm tới gần 18 %. Nhưng giá xăng trong nước mới hạ 1.100 đồng (khoảng 5%).
Nhưng có vẻ khả năng kỳ vọng giảm sâu giá xăng của người dân sẽ không thành hiện thực bởi cơ quan chức năng đang có ý định tăng thuế, tăng mức trích quỹ bình ổn.
Nếu căn cứ trên Nghị định 84, khi các yếu tố cấu thành thay đổi khiến giá cơ sở giảm dưới 12% so với giá bán lẻ đang áp dụng thì doanh nghiệp phải giảm giá bán lẻ tương ứng.
Nếu giảm trên 12%, sau khi trích thêm quỹ bình ổn, thuế, doanh nghiệp tiếp tục phải giảm giá bán lẻ. Xét theo quy định thì việc giảm giá xăng vào lúc này là đương nhiên.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương trong cuộc họp báo ngày 4-6 đã bác bỏ khả năng giảm giá xăng tương ứng với mức giảm của thế giới, rằng việc này rất khó! Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước không cho biết cụ thể cái khó ở đây là gì.
Tất nhiên, điều hành giá cả xăng dầu, một mặt hàng chiến lược đối với bất kỳ quốc gia nào, là vấn đề rất phức tạp. Xét từ thời điểm năm 2008, giá xăng dầu thế giới tăng vọt lên 147 USD/thùng, cuối năm rớt xuống 70 USD/thùng, năm 2010 lên 120 USD/thùng rồi lại về 90 USD/thùng và sau khi lên 112 USD/thùng vào năm 2011 hiện lại giảm mạnh, xuống dưới 90 USD/thùng.
Mà mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu là một lần các loại hàng hóa trên thị trường, chỉ số giá cả lại biến động theo.
Tuy nhiên, vấn đề mà người dân không an tâm là tính minh bạch của thị trường xăng dầu, khi tăng thì rất nhanh với mức cao nhưng khi giảm lại rất từ từ và nhỏ giọt.
Có thể hiểu rằng, việc trì hoãn giảm giá xăng hoặc giảm giá nhỏ giọt, thay vào đó là các biện pháp tăng thuế là nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách.
Đối với mỗi quốc gia, thu ngân sách luôn là chuyện hệ trọng và ngay cả người dân cũng hiểu bộ máy nhà nước muốn hoạt động phải đảm bảo ngân sách.
Nhưng trong khi thị trường xăng dầu thời gian qua được điều hành theo kiểu “giật cục”, kém linh hoạt, thông tin về thị trường còn mù mờ thì những khúc mắc của người tiêu dùng sẽ còn tồn tại. Sòng phẳng, minh bạch sẽ là chìa khóa khai thông những khúc mắc ấy.