Mánh lới gián điệp Trung Quốc dùng mạng xã hội để chiêu dụ

FBI phát lệnh truy nã các đối tượng Trung Quốc. Ảnh: CBS News.
FBI phát lệnh truy nã các đối tượng Trung Quốc. Ảnh: CBS News.
TPO - Các sĩ quan tình báo Trung Quốc nghiên cứu kỹ thông tin cá nhân người dùng đăng trên mạng xã hội, giả vờ là học giả hoặc doanh nhân để bắt chuyện rồi mời họ sang Trung Quốc…

Một trong những vụ gián điệp gần đây nhất ở Mỹ bắt đầu bằng lời chào qua Internet. Và vụ việc kết thúc khi bồi thẩm đoàn ở bang Virginia phát quyết cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) phạm tội làm gián điệp cho Trung Quốc, phải ngồi tù 20 năm. Đây là một trong những vụ điều tra phản gián hiếm hoi được đưa ra xét xử.

Mối đe dọa tình báo số một

Vụ Mallory đem đến bài học về cách thức điệp viên Trung Quốc sử dụng mạng xã hội để chiêu dụ người Mỹ cung cấp thông tin mật cho họ, National Public Radio (Mỹ) đưa tin ngày 19/9.

Cục trưởng Cục An ninh quốc gia – Bộ Tư pháp Mỹ, ông John Demers, nhận định: “Người Trung Quốc là mối đe dọa tình báo số một của chúng ta”.

Trong 11 tháng qua, ba cựu nhân viên tình báo Mỹ nhận tội hoặc bị kết tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Cùng thời gian này, Bộ Tư pháp Mỹ xử lý hơn chục vụ liên quan Trung Quốc, phần lớn là gián điệp kinh tế.

Từ khi đảm nhiệm cương vị lãnh đạo Cục An ninh quốc gia hồi tháng 2/2018, ông Demers dành nhiều thời gian nghiên cứu Trung Quốc, cụ thể là các nỗ lực tình báo của nước này chống lại Mỹ.

Tình báo Trung Quốc có quy mô lớn, trải dài trong nhiều lĩnh vực, từ gián điệp truyền thống nhằm vào các bí mật quốc gia tới gián điệp kinh tế theo đuổi các bằng sáng chế, phát minh, bí mật thương mại của Mỹ, ông Demers cho biết.

“Năm ngoái, chúng ta có ba vụ gián điệp truyền thống, tất cả đều liên quan cựu nhân viên tình báo. Đó là điều chưa từng có tiền lệ”, ông nói.

Ngoài vụ Mallory bị kết tội, còn có cựu nhân viên Cục Tình báo quốc phòng Ron Hansen và cựu nhân viên CIA Jerry Chun Shing Lee. Hai người này đều nhận tội.

Nhưng đó chỉ là bề nổi, còn phần chìm công chúng không nhìn thấy. Ông Demers nói rằng, còn các vụ điều tra khác mà Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành nhưng chưa đến giai đoạn truy tố, xét xử và còn có các điệp viên Trung Quốc đang hoạt động, đang lôi kéo người Mỹ làm gián điệp mà cơ quan chức năng Mỹ không biết.

“Người ta cần phải tiếp cận bao nhiêu người Mỹ trước khi thuyết phục được một người nhận lời (làm gián điệp cho Trung Quốc)? Tôi không biết chính xác con số, nhưng chắc chắn rất lớn”, ông Demers nói.

Vào vai học giả, doanh nhân

Vị lãnh đạo Cục An ninh quốc gia miêu tả về cách thức sĩ quan tình báo Trung Quốc cố gắng tuyển dụng người Mỹ.

Các sĩ quan tình báo Trung Quốc dễ gặp rủi ro nếu hoạt động ở Mỹ vì họ có thể bị Cục Điều tra liên bang (FBI) phát hiện. Vì thế, họ thường tiếp cận người Mỹ thông qua Internet, qua các mạng xã hội, như LinkedIn.

“Đó không phải là điều gì bất thường. Chúng tôi đã thấy các sĩ quan tình báo Trung Quốc sử dụng mạng xã hội để tiếp cận đối tượng tiềm năng”, ông Demers.

Các điệp viên Trung Quốc không tìm kiếm thông tin mật hoặc tuyển dụng gián điệp một cách hú họa, được chăng hay chớ. Họ thực sự nghiên cứu online rất kỹ để xác định thông tin họ cần và những người nào có thể có quyền tiếp cận thông tin đó.

Người dùng LinkedIn thường tìm kiếm công việc mới nên họ công khai nêu rõ trong hồ sơ mạng xã hội là họ đang làm, từng làm ở cơ quan này, tổ chức nọ. Đó là điều mà điệp viên Trung Quốc nghiên cứu sâu vì họ có thể biết được thông tin mật  mình cần đang nằm hoặc sẽ nằm trong tay ai.

Một khi tìm được ứng viên phù hợp, điệp viên Trung Quốc sẽ khơi mào tiếp xúc, thường là với một cách tiếp cận nhẹ nhàng.

“Đương nhiên là họ sẽ không nói: Chào, tôi làm việc cho tình báo Trung Quốc và muốn nói chuyện với bạn”, ông Demers cười.

Thay vào đó, sĩ quan tình báo Trung Quốc thường đóng giả là một học giả, nhà nghiên cứu quan tâm đến công việc của ứng viên tiềm năng hoặc vào vai một doanh nhân đang tuyển người làm một công việc thú vị.

Với chiêu này, tình báo Trung Quốc thường dễ dàng dụ được mục tiêu tới thăm Trung Quốc, trang trải mọi chi phí cho họ.

“Và dần dần, họ bắt đầu cố moi tin từ mục tiêu”, ông Demers nói.

Trong một số trường hợp, tình báo Trung Quốc duy trì liên lạc với mục tiêu thông qua các liên lạc mã hóa. Trong vụ Mallory, ông này nhận được một chiếc điện thoại thông minh Samsung Galaxy được thiết kế đặc biệt.

Đó là vở kịch cũng được sử dụng để tiếp cận, chiêu dụ các đối tượng trong lĩnh vực học thuật và kinh doanh vì Trung Quốc đang đói các công nghệ mới và bí mật thương mại.

Theo giới chức Mỹ, nhiều năm qua, gián điệp Trung Quốc đột nhập mạng máy tính các công ty Mỹ, đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Giờ đây, họ tăng cường nhằm vào những đối tượng “phi truyền thống” như sinh viên, nhà nghiên cứu, người hiểu biết về giới kinh doanh…

Trong hai vụ gần đây, điệp viên Trung Quốc muốn đánh cắp công nghệ động cơ phản lực và công thức sản xuất lớp lót không độc hại dành cho đồ hộp.

Việc Bộ Tư pháp đang tập trung vào Trung Quốc khiến một số nhà làm luật và thành viên trong cộng đồng người Mỹ gốc Hoa lo lắng. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp chỉ tập trung điều tra “các hành vi gây nghi ngờ”, chứ không phải yếu tố chủng tộc, quốc tịch, ông Demers nói.

“Chúng tôi xem xét các hành vi gây nghi ngờ và chúng tôi xem xét động thái của chính phủ Trung Quốc”, ông nói. Chính phủ Trung Quốc thường tuyển dụng công dân Trung Quốc ở Mỹ và người Mỹ gốc Hoa, nên đó là lý do tại sao có nhiều vụ gián điệp kinh tế dính dáng công dân Trung Quốc, ông giải thích.

Nhưng ông Demers cũng chỉ ra một thực tế nguy hiểm rằng, hai trong số ba cựu nhân viên tình báo Mỹ kể trên không có gốc gác Trung Quốc.

Mánh lới gián điệp Trung Quốc dùng mạng xã hội để chiêu dụ ảnh 1 Cựu nhân viên CIA Kevin Mallory bị kết án 20 năm tù vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Ảnh: AP.
MỚI - NÓNG