Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Hồi đại học chúng tôi học một trường có nhiều khoa tầm cỡ quốc gia, nghe bàn tán có vị giáo sư trong trường mà công trình chính để có hàm giáo sư là “Nghiên cứu động từ ‘đi ra, đi vào’ trong tiếng Việt”. Chắc mọi người tiếu lâm để dìm hàng chứ có nhẽ đâu thế. Còn nếu thật thế, thì so với hai luận án tiến sĩ “Hành vi nịnh trong tiếng Việt” và “Đặc điểm giao tiếp với người dân của chủ tịch xã” ở Học viện Khoa học Xã hội mà thiên hạ đang xôn xao, không hiểu cái nào oách hơn.

Hai luận án vừa kể, không may bị khui đúng dịp này chứ bảo đảm đi sâu tìm hiểu, còn lắm đề tài “độc đáo” hơn nữa.

Vào thời điểm tôi còn trên ghế nhà trường đó, nhiều vị giáo sư khả kính đã rời khoa, may chúng tôi vẫn còn được thụ giáo một số tiết của những người thầy danh bất hư truyền như Bùi Duy Tân, Trần Đình Hượu, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Văn Khỏa, Đỗ Hồng Chung, Nguyễn Lộc (chồng nhà văn Ý Nhi), Hoàng Tiến Tựu (từ ĐH Sư phạm Vinh ra thỉnh giảng)... Không thì khó đọ Đại học Sư phạm với những giáo sư, nhà phê bình danh tiếng. Những khóa sau không may mắn như vậy. Phú quý giật lùi khắp nơi nơi đâu chỉ ở các viện khoa học.

Sinh viên ra trường đi làm báo, kể: Đến kỳ làm luận văn tốt nghiệp đại học, có thầy cô gợi ý quà cáp, mua máy tính xách tay, thậm chí đến dọn nhà giúp. Nghe “hoàn cảnh”. Ở khoa Báo chí ĐH Khoa học Xã hội& Nhân văn, nghe nói thầy V.Q.H nổi tiếng “hâm” vì không bao giờ nhận phong bì, quà cáp của sinh viên, cùng lắm nhận hoa ngày 20/11.

Trong văn học nghệ thuật, phim không ra phim cũng ra rạp chễm chệ. Văn chưa sạch nước cản được chào mời làm sách bởi không đủ chỉ tiêu thì nhà xuất bản bị xóa sổ. Trong công cuộc sản xuất tiến sĩ cho nước nhà, không cần phóng viên điều tra người ta mới biết thành tiến sĩ dễ thế nào: “Thi đại học còn phải có giám thị, giáo viên nào chấm không ai biết. Nhưng tiến sĩ, mỗi học phần ai chấm, nghiên cứu sinh đều biết. Còn khi bảo vệ luận án, người giữ chìa khóa lại là người mở khóa”.

“Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng/Nét son điểm rõ mặt văn khôi/Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ/Cái giá khoa danh thế mới hời”. (“Tiến sĩ giấy”- Nguyễn Khuyến). Giới khoa học vẫn đùa GSTS là “gà sống thiến sót”, và “nhiều như lợn con”. Từ ngày bỏ “phó tiến sĩ” với lý do thế giới không có học vị này, con đường đại nhảy vọt đến khoa danh càng được đốt cháy giai đoạn, với những đề tài nghiên cứu không biết bán cho ai. Hay từ nay vị nào ký giáo sư tiến sĩ, đều nên mở ngoặc tên chuyên ngành (nhất là khoa học xã hội), thậm chí cả đề tài luận án, để thiên hạ còn phân biệt vàng thau, giả chân.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.