Một cuộc khẩu chiến đã nổ ra giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, khi hai bên cáo buộc lẫn nhau mua số dầu trị giá hàng tỷ USD của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và hỗ trợ tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới này.
Trong một bài viết đăng trên Al Ajazeera, bà Carole Nakhle, giám đốc công ty tư vấn Crystol Energy ở London, Anh, cho biết IS đã đút túi khoảng một đến 1,5 triệu USD mỗi ngày từ hoạt động buôn bán dầu trái phép. Theo giới phân tích, IS có thể đã thu về khoảng 500 triệu USD mỗi năm từ việc bán dầu với giá rẻ mạt trên thị trường chợ đen.
Những số liệu này được ước tính dựa trên sản lượng hàng ngày của các mỏ dầu đã rơi vào tầm kiểm soát của IS, bao gồm một số mỏ lớn nhất của Syria, với sản lượng hàng ngày lên tới khoảng 30.000 đến 40.000 thùng dầu, và giá bán của IS là từ 20 USD đến 40 USD mỗi thùng, thấp hơn so với giá dầu trung bình trên thế giới.
Sự sinh tồn của IS đang phụ thuộc rất lớn vào việc kinh doanh dầu mỏ, bất kể giá trị cụ thể là bao nhiêu. Dầu mỏ không chỉ mang lại nguồn tài chính dồi dào mà IS cần để chiêu mộ thành viên mới, trang bị vũ khí, mua chuộc người dân địa phương và duy trì chiến dịch tuyên truyền cực đoan của mình, nó giúp củng cố địa vị của tổ chức này qua chế độ bao cấp xăng dầu trong vùng lãnh thổ kiểm soát, qua đó thỏa mãn nhu cầu chiến lược về điện, đi lại và sưởi ấm của IS.
Câu hỏi lớn và quan trọng hơn cả, ngoài việc IS kiếm được bao nhiêu, là ai đang mua dầu của IS. Giống như bất cứ khu chợ đen nào, câu trả lời rất mập mờ.
Những lời cáo buộc cấp nhà nước đã được Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đưa ra, nhưng cả hai bên đều không có những bằng chứng xác thực về việc ai là người có liên quan đến hoạt động tiêu thụ dầu lậu của IS.
Theo bà Nakhle, sự thật tàn nhẫn là thị trường đen có một mạng lưới tinh vi các đối tác ngầm và khách hàng rộng lớn, những kẻ chỉ quan tâm đến tiền, bất kể quốc tịch, tín ngưỡng hay nguyên tắc đạo đức. Mạng lưới này hoạt động chủ yếu ở Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Có thể các điều tra viên quốc tế sẽ phát hiện ra một vài cá nhân hoặc tổ chức có dính líu tới hoạt động buôn dầu lậu của IS, nhưng sẽ thật ngây thơ khi cho rằng một mạng lưới tinh vi, phức tạp như vậy có thể bị vạch trần dễ dàng bằng một vài lời cáo buộc.
Vấn đề càng trở nên rắc rối hơn khi không phải tất cả những người dính líu tới việc buôn bán dầu lậu của IS đều là những kẻ tham nhũng thối nát. Có những khách hàng dựa vào nguồn dầu của IS để sinh tồn, ví dụ như hàng triệu người đang sống ở những khu vực bị IS kiểm soát và cần xăng dầu để đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt cơ bản về điện, sưởi ấm và phương tiện đi lại.
Một số nhóm nổi dậy, thậm chí là cả quân đội chính phủ Syria, kẻ thù của chính IS, cũng nằm trong số khách hàng “bất đắc dĩ” này. Và còn có những tài xế xe tải, hầu hết là dân thường, phải vận chuyển dầu của IS cho bọn buôn lậu, thương gia và người trung gian nên càng cần nguồn thu nhập hơn bao giờ hết.
Một khi dầu lậu vượt qua khu vực kiểm soát của IS, việc lần theo dấu vết của chúng là hết sức khó khăn, bởi không phải người dùng cuối cùng nào cũng ý thức được rằng mình đang sử dụng dầu của IS.
Giải pháp đánh sập mạng lưới dầu lậu IS
Theo chuyên gia Nakhle, vấn nạn dầu lậu của IS là nỗi nhức nhối hiện nay của nhân loại, và nó không thể được giải quyết bởi một phương thức đơn lẻ nào đó.
Một số người cho rằng giải pháp duy nhất là vô hiệu hóa nguồn cung từ các mỏ dầu của IS bằng cách đánh bom chúng. Tuy nhiên, nếu mục đích của các cuộc không kích này là để tạm thời đình chỉ việc sản xuất thì IS đã cho thấy khả năng khôi phục lại sản xuất nhanh đến mức nào, dù chỉ là ở mức thấp.
Còn nếu mục đích của liên quân do Mỹ đứng đầu hoặc Nga là để hủy diệt vĩnh viễn 9 cơ sở sản xuất của IS, đây sẽ là một thảm họa cho ngành công nghiệp dầu mỏ địa phương thời kỳ hậu IS. Bởi vậy, gần đây, các lực lượng diệt IS đã chú trọng vào một giải pháp khác, đó là phá hủy các phương tiện vận chuyển, cụ thể là các xe tải chở dầu.
Giải pháp này không phải là "chiếc đũa thần" xóa sổ hoàn toàn vấn nạn dầu lậu của IS. Các xe tải chở dầu thường liên quan đến các tài xế là dân thường, và có một thực tế là xe tải có thể được thay thế dễ dàng hơn nhiều so với đường ống dẫn dầu hay tàu chở dầu. IS có thể mua sắm các xe bồn bằng số tiền bán dầu để thay thế cho những đoàn xe bị phá hủy.
Xe tải chở dầu IS bốc cháy dữ dội sau khi bị Nga không kích. Ảnh: Wikileak
Ngoài ra, việc kinh doanh dầu dù mang lại nhiều lợi nhuận nhưng không phải là nguồn lợi duy nhất của IS. Buôn bán ma túy, bắt cóc, buôn bán đồ cổ, thu thuế và những nguồn quyên góp khác cũng đóng vai trò quan trọng trong nguồn tài chính lên tới hai tỷ USD mỗi năm của tổ chức khủng bố này.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng góp vào nỗ lực này bằng cách thắt chặt biên giới, nhưng giải pháp đơn độc đó là chưa đủ. Dầu được bảo quản, vận chuyển dễ dàng hơn nhiều so với khí đốt, nên dù Thổ Nhĩ Kỳ có bịt tất cả các cửa khẩu, lối mở, dầu lậu vẫn có thể nhanh chóng tìm được đường qua biên giới nước này để tiêu thụ.
Theo bà Nakhle, mạng lưới mua bán dầu lậu của IS chỉ có thể bị đánh sập khi có sự hợp tác mật thiết hơn giữa cơ quan chính phủ các nước, đặc biệt là việc phối hợp các chiến dịch quân sự và chia sẻ thông tin tình báo để lật tẩy tất cả những bên có liên quan.