Mai một Sapa

Tác giả Nguyễn Kim Anh.
Tác giả Nguyễn Kim Anh.
TPO - Dù du lịch rất nhiều nơi trên thế giới, càn quét hết các điểm “phải đến” của Việt Nam nhưng kỳ lạ là tôi chỉ quay lại Sapa sau 40 năm. Ký ức về Sapa đọng lại là một thành phố vắng vẻ mù sương, vô cùng nhiều thông reo rì rào và giàn su su lúc lỉu. Giờ thì cả thành phố giống một đại công trường. 

Giờ, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai không thua các con đường xuyên bang của Mỹ. Đường mịn, láng, rộng 6 làn xe từ Hà Nội tới Yên Bái với dải phân cách cứng. Rồi sau đó tuy một số đoạn bị thu hẹp và dùng phân cách mềm nhưng chất lượng vẫn tốt. Biển báo liên tục, to, rõ, cả tiếng Việt tiếng Anh. Ấn tượng nhất là các trạm dừng nghỉ (REST STOP). Cứ 50 km một trạm. Trước khi tới trạm 2km là đã có biển báo vẽ hình cây xăng, đồ ăn…Trạm nào cũng rộng rãi, khu bán đồ ăn thơm phức sáng trưng với slogan “Với chúng tôi, an toàn thực phẩm là số 1”. Khu vệ sinh lịch sự với tủ kính nhét tiền lẻ, sạch sẽ và sáng sủa. Có thế chứ, xe du lịch 45 chỗ liên tục rẽ vào với nhiều đoàn khách…

Ở độ cao 1600 m so với mực nước biển, đường dẫn 38 km từ Lào Cai lên Sapa chủ yếu là leo dốc, nhiều khúc cua tay áo với độ rộng đường nhỏ hẹp, là thử thách đối với tay lái non. Thấp thoáng là ruộng bậc thang,  nhìn ra xa đã thấy mây bay vờn đỉnh núi.

Vừa vào tới thị trấn Sapa, lập tức choáng. Xuỳnh xuỵch khắp nơi là máy trộn bê tông, xe tải chở đất đá, xe công ten nơ hạng nặng chở thiết bị vật liệu xây dựng. Toàn bộ đường sá của thị trấn bị băm nát với các ổ “khủng long” và sống “trâu”. Bụi mù mịt đến nỗi đang hí hửng mở cửa xe ô tô để hưởng không khí vùng cao, chúng tôi phải vội vàng đóng lại. Cả thành phố là một công trường khổng lồ và thật khó để đi xe với tốc độ hơn 5km giờ do các loại xe hạng nặng đâm ngang đâm dọc. Thông cũng thưa thớt và xác xơ.

Hỏi đường lên khách sạn Aira Boutique, được đánh giá rất tốt trên “tripadvisor”, chúng tôi vừa đi vừa ngao ngán bởi con đường nhỏ hẹp dẫn đến khách sạn vừa phủ một lớp đất bụi dày, vừa chật cứng các loại xe đổ đất, xe xúc, và biết chắc, việc thả bộ hít thở không khí trong lành trên quãng đường chỉ độ 500m từ AIRA ra Nhà thờ đá, trung tâm Sapa, là hoàn toàn phá sản. Khắp nơi là rác thải xây dựng, tiện thể, rác thải từ các nhà hàng cũng chất đống trên khắp các đường phố trung tâm, ngổn ngang trên những ổ voi õng nước.

Những bé gái vùng cao nét đẹp như lai, mũi cao mắt to và má hồng hồng hầu hết có vẻ mặt mệt mỏi và cam chịu. Lẽo đẽo đi đất theo du khách trong thời tiết hơn 10 độ, lưng địu một bé chừng 1-2 tuổi ngủ gật gà đầu úp cái khăn to, chìa ra những xâu móc chìa khóa có búp bê dân tộc bằng vải. Hai mươi nghìn. Tôi hỏi cháu có đi học không, có ạ, lớp 4. Vậy mà trông như mẫu giáo. Mua cái móc chìa khóa. Cho thêm ít tiền. Bé lễ phép cảm ơn, ngước đôi mắt đẹp nhưng già và buồn. Đứa nhỏ trên lưng vẫn ngủ ngoẹo cổ như thể bị uống thuốc.

Chợ tình chẳng có thanh niên nào múa khèn. Quần áo dân tộc, ngồi xổm co một chân và nhảy quay vòng. Trên sân khấu sáng trưng giữa quảng trường, một thanh niên đứng thổi khèn trước mic, đương nhiên không có màn tán nhau giữa trai gái vùng cao như kỳ vọng.

Đáng yêu nhất có độ dăm sáu em bé gái nhỏ xíu có lẽ 5-6 tuổi nhưng trông chỉ như lên 2 lên 3, mặc đồ dân tộc và nhảy múa say sưa. Trong khi du khách tán thưởng thì ông bảo vệ chạy tới sừng sộ quát nạt và đuổi chúng đi trước con mắt ngơ ngác của khán giả. Ông giải thích, sợ chúng xin tiền.

Chợ đêm, đâu cũng có những em bé mặc quần áo dân tộc ngồi demo ở các sạp hàng, buồn ngủ rũ và héo hon như tàu lá. Các mẹ các chị người nào cũng đèn pin đeo trước trán – để soi hàng và tiền. Phát ho hen vì bụi, chúng tôi chỉ ở lại chợ đêm chút xíu rồi chuồn. Dù rất muốn đi bộ, buộc lòng phải vẫy taxi để tránh nguy cơ bị xe tải húc và nhẹ hơn thì đang đi sẽ bị bắn nước bẩn từ các ổ voi trên đường.

So với Sapa lộn xộn và ngập ngụa, Thác Bạc (cách Sapa 12 km) vẫn nguyên vẻ hoang sơ hùng vĩ. Sạch sẽ, không quán xá trẻ bán rong. Bản Cát Cát cách trung tâm 3km lượn vòng quanh những thửa ruộng bậc thang, tuy có chêm nhiều bàn tay con người nhưng những cọn nước, cối giã gạo bằng sức nước, những quả bí đao và bí ngô nặng cả yến trong nhà trưng bày, những sạp hàng đồ thủ công mỹ nghệ… đều khá hấp dẫn và vui mắt.

Cáp treo lên Fanxipan có lẽ chính là điểm gỡ gạc lớn nhất cho Sapa, khi người ta có thể chạm tay vào nóc nhà Đông Dương chỉ với 15 phút ngồi. Thiết kế còn đẹp hơn cả các khu cáp treo của nước ngoài với hai kỷ lục Guinness về cáp treo 3 dây dài nhất và độ chênh điểm đầu điểm cuối lớn nhất. Khách du lịch kể cả khách nước ngoài sẽ rất thỏa mãn cho dù giá vé 600 ngàn đồng mỗi người, khá cao.

Rời Sapa, chúng tôi vật vã trong đám tắc đường. Những con đường nhỏ hẹp từ Sapa về Lào cai chỉ đủ cho 2 xe cỡ vừa ngược chiều nhau, giờ liên tục khựng lại do những đại chiến xa dài hơn 20 mét. Ở những đoạn cua tay áo, những chiếc xe khổng lồ này loay hoay tiến lùi khổ sở.

Sapa sẽ thật hấp dẫn nếu nó là một thành phố phong quang sạch sẽ với rừng thông reo, với tầm nhìn thoáng đãng lên tận núi cao, mật độ xây dựng vừa phải còn nhà thờ đá- biểu tượng lâu đời của Sapa sẽ không bị chìm nghỉm giữa bao khách sạn cao tầng xanh đỏ dáng dấp tỉnh lẻ.  Với phong trào nhà nhà cùng xây và ngọn đồi nào nhìn từ trên xuống cũng nham nhở đỏ choét, chả mấy chốc Sapa sẽ thành một phố huyện tầm thường.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.