Thủ phạm tắc đường: Trạm thu phí

Nhà văn Hồ Anh Thái.
Nhà văn Hồ Anh Thái.
TPO - Tham khảo tình trạng tắc đường kẹt xe ở Indonesia như dưới đây, ta có thể thấy nếu Việt Nam không sớm có giải pháp đối với các trạm thu phí, thì tình trạng tắc đường sẽ ngày càng trầm trọng.

Thủ đô Jakarta của Indonesia bị trang mạng Castrol Magnatec xếp đứng đầu danh sách 10 thành phố có nạn tắc đường trầm trọng nhất thế giới và bị công ty tư vấn Frost and Sullivan xếp là nơi di chuyển bất tiện nhất thế giới. Ở trung tâm thành phố, đi ô tô khoảng 5 km rất có thể sẽ lấy mất của ta một tiếng đồng hồ.

Tắc đường xảy ra ở nội đô Jakarta thì còn đổ cho năng lực quản lý giao thông yếu kém, do lượng xe ô tô và xe máy quá đông, do người ta tiếp tục xây chung cư ở trung tâm mà không giãn dân và xây nhà ở ngoại vi thành phố. Thủ đô 12 triệu dân, tính cả vùng phụ cận là 25 triệu người, xe hơi các loại là 6,5 triệu chiếc (2015), xe máy trung bình mỗi đầu người một chiếc. Jakarta đã từng thực hiện việc cấm xe máy đi vào trung tâm thành phố. Đã áp dụng quy định "3 trong 1": những tuyến phố trung tâm, mỗi ô tô phải có 3 người trở lên mới được lưu hành. Gần đây thành phố lại áp dụng quy định "chẵn - lẻ": xe mang biển số tận cùng bằng số chẵn sẽ được đi vào trung tâm trong ngày chẵn. Ngày lẻ dành cho xe mang biển số lẻ. Trung tâm thành phố nhờ vậy mà thưa thoáng hơn nhiều. Chính quyền cũng chủ trương ưu tiên bằng cách tạo đường dành riêng cho xe buýt. Mặc cho xe tư nhân ghen tị, nếu người dân chọn đi xe buýt trong đường dành riêng thì vẫn nhanh hơn đi tắc xi.

Tuy nhiên nạn tắc đường không chỉ ở trung tâm thành phố, ở các quận nội đô, mà còn trầm trọng ở ngoại vi và những tuyến đường liên tỉnh. Tại sao vậy? Vì thủ phạm là những trạm thu phí. Người viết bài này đã từng bị kẹt giữa dòng xe liên tỉnh vào dịp nghỉ lễ Noel. Ô tô nối đuôi nhau xếp hàng trước các trạm thu phí BOT dài đến chục cây số. Quãng đường 500 km từ Jakarta đi cố đô Yogyakarta, bình thường chỉ đi mất 10 tiếng đồng hồ, vậy mà chúng tôi đã mất 24 tiếng. Suốt một đêm và suốt một ngày, xe cứ nhích lên được mấy mét lại dừng. Từng chiếc xe dừng lại trước trạm thu phí, nộp tiền, lấy vé, rồi mới được đi. Hoặc là áp thẻ thu phí tự động vào cột thu phí, thì cũng mất thời gian dừng.

Vừa thoát ra khỏi trạm thu phí này thì ngay lập tức lại xếp vào hàng xe, nối đuôi nhau chờ đến trạm thu phí sau.

Trận tắc đường khủng khiếp nhất thường là vào dịp nghỉ lễ kết thúc tháng nhịn ăn Ramadan, tháng 7-2016. Quãng đường 300 km ra khỏi thủ đô dồn ứ lại 10.000 xe ô tô, chưa kể hàng vạn xe máy. Tắc đường luôn ba ngày, mấy chục người chết. Người chết chủ yếu là người già, người bị tim mạch, bị kẹt hàng chục giờ giữa đoàn xe ùn ứ trước các trạm thu phí, thời tiết lại nắng nóng.

Người ta chỉ ngay ra tội đồ: các trạm thu phí BOT. Trạm được đặt quá gần nhau, tất nhiên là thuộc các ông chủ khác nhau. Mỗi ông cắt lấy một đoạn đường theo kiểu chia miếng bánh, làm trùm cát cứ một vùng, rồi dẫn đến "loạn mười hai sứ quân". Có ý kiến chính phủ phải có một cơ quan đứng ra điều tiết, thu phí một cục mấy trăm kilomet đường, rồi tính toán thế nào đấy mà chia tiền cho các ông BOT. Gợi ý này không khả thi, một khi từ ban đầu đã để cho mỗi ông làm hùm beo, chia cắt và trấn giữ một khoảnh rừng như thế. Vậy chẳng nhẽ chính phủ không có biện pháp giải quyết thì người dân lưu thông trên đường vẫn cứ tiếp tục phải làm nạn nhân?

Cũng đã có những giải pháp tạm thời: chính quyền đã ra lệnh một khi đoàn xe ùn lại đến 5 km thì phải mở cửa trạm, tháo khoán cho xe đi, giống như mở cống hoặc đập tràn. Khi ấy phải chấp nhận thất thu, bởi vì các chủ trạm đều đã phải cam kết duy trì tốc độ xe 40-60 km/giờ, thời gian thu phí chỉ được phép 5-9 giây, thu phí tự động là 4 giây. Người ta cũng đã thí điểm thu phí tự động từ 2011 nhưng chưa nhân rộng được, do một số vấn đề tài chính, như khó thu phí qua thẻ ngân hàng. Có cả đề xuất miễn phí đường cao tốc để xe qua thông suốt. Chỉ vì tắc nghẽn giao thông mà mỗi năm riêng thủ đô Jakarta đã thiệt hại khoảng 3 tỷ USD.

Kể câu chuyện ở Indonesia để thấy ở ta cần có một kế hoạch điều tiết hợp lý việc xây dựng các trạm BOT và tính đến việc áp dụng biện pháp thu phí điện tử, kẻo một ngày không xa thì xe liên tỉnh cũng có thể tắc nghẽn hàng chục tiếng đồng hồ.

MỚI - NÓNG