Nói trước đám đông

Tác giả Kiều Bích Hương
Tác giả Kiều Bích Hương
TPO - Trong điện Panthéon tại Paris, người ta trả lương cho một người đàn ông chỉ để ngồi trước cửa khu hầm mộ, thỉnh thoảng đưa tay lên “suỵt, suỵt”. Vừa vào đã thấy ông “suỵt”, trở ra lại “suỵt” kèm tiếng thở dài.

Này thì Voltaire, kia Victor Hugo, đây rồi Alexandre Dumas..., đám khách vào điện làm sao không khỏi ồ à sung sướng? Vậy mà phải học cách im lặng, khó không kém nói thế nào cho đám đông chịu lắng nghe.

Tôi là người sợ nói trước đám đông. Thời còn đi học, cứ thi vấn đáp là biết tay nhau. Trượt môn Triết cũng chỉ vì vấn đáp. Cách đây khoảng 17 năm, con gái của chị tôi vào lớp Một. Chị bận, tôi thay chị đi họp cha mẹ học sinh. Nghe cô giáo kể suýt ứa nước mắt “Con bé ngoan, học tốt. Nhưng nhát quá. Có lần em gọi cháu lên bảng, bỗng nghe tiếng cành cạch phát ra đâu đó. Nhìn xuống, hóa ra con bé run đến nỗi hai mắt cá chân va vào nhau.” Con bé thuộc thế hệ 9X, không phải 7 X như tôi, nhưng nỗi sợ nói trước đám đông giống nhau.

Bây giờ sống ở Bỉ, vẫn ngại mỗi khi phải đi họp cha mẹ học sinh. Bất đồng ngôn ngữ là một chuyện, sâu xa hơn: một anh thợ điện cũng có thể đàng hoàng giới thiệu bản thân dí dỏm. Có bữa, tôi về nhà cáu với chồng “Lần sau anh đi mà họp.” “Có gì khó nào?” “Cô giáo yêu cầu từng cha mẹ giới thiệu tên để làm quen. Một ông nói Tôi tên A, bố của bé B, tôi là thành viên Hội cha mẹ học sinh của trường. Nghe vậy, ông bên cạnh nói: Còn tôi tên C, bố của bé D, tôi chẳng có chân nào trong Hội cả”. Tất cả cười ầm, mình đã cười chậm nhịp còn nói lập cập. Quê chứ còn gì.

Giáo viên đưa chúng tôi tham quan lớp Một, nơi những đứa trẻ 6 tuổi học ăn học nói học gói học mở. Mắt tôi cứ hút vào một góc nhỏ trải thảm và đặt những chiếc gối nhỏ xung quanh. Tôi hỏi cô giáo “Bọn trẻ không được ngủ trưa, vậy góc đó làm gì?” “Góc kể chuyện. Có khoảng một tiếng các em ra đó ngồi quây quần, vừa ôm gối vừa lần lượt chia sẻ chuyện hôm qua làm gì, đi đâu, gặp ai...” “Con trai tôi có kể gì không?” “Thằng bé hầu như chỉ nhún vai, ra ý chẳng có gì để nói.”

Gay rồi. Cuối năm, tôi phát hoảng khi giáo viên yêu cầu học sinh lớp Một phải chuẩn bị bài thuyết trình dài một phút về con vật yêu thích. Đứa trẻ 6 tuổi phải nói gì trước đám đông trong một phút? Đành cầu cứu mẹ chồng. Bà giáo Bỉ về hưu tuổi gần 80 ấy gọi cháu lại hỏi “Theo cháu chúng ta nên nói về con gì?” “Cháu chưa biết” “Bạn nào cũng nói về con chó, con mèo, con thỏ, con gà..., liệu cháu có muốn nghe không?” “Nghe nhiều chán lắm” “Đấy. Muốn người ta chịu nghe, mình phải chọn nói điều khác lạ, hấp dẫn.” “A, cháu thích xem con nhện bắt mồi” “Tốt. Mở máy tính lên, bà cháu mình cùng google các loài nhện, loài nào to nhất thế giới, loài nào độc nhất, bị nhện cắn phải sơ cứu thế nào...” Sau buổi thuyết trình, con trai tôi về khoe “Con nhận được nhiều câu hỏi thêm nhất lớp.”

Cứ nghĩ giá tôi và con gái của chị tôi, cũng có được một góc trải thảm đầy gối ôm như thế để học cách ngồi nói trước, hẳn tự tin hơn khi đứng nói. Và bắt đầu bằng cách đứng nói chỉ một phút.

Sau 25 năm đóng Pretty Woman- Người đàn bà đẹp, Richard Gere gặp lại khán giả truyền hình trong chương trình The Jonathan Ross Show. Người dẫn yêu cầu Richard kể lại chuyện Julia Roberts (lúc chưa nổi tiếng lắm) đã thuyết phục ông cùng đóng phim này thế nào. Gere hỏi ngay “Đó là chuyện dài. Chúng ta có bao nhiêu phút nhỉ?”, người dẫn nhún vai “Thì nói ngắn đi”. Chuyện dài đáng nghe, nhưng Gere muốn nhấn: Julia bước vào văn phòng, rực sáng như mặt trời đang chiếu thẳng vào cô, không nói gì nhiều. Đúng lúc đó, đạo diễn Garry Marshall gọi điện cho Gere hỏi có nhận lời đóng không. Julia, vẫn chẳng cần nói nhiều, viết vào mẩu giấy nhỏ đưa cho Gere “Làm ơn hãy nói đồng ý.” Gere nhìn mẩu giấy và nói vào điện thoại: Tôi nhận vai.

Nói thế nào cho hay hoặc im lặng đúng lúc, nhờ tài năng bẩm sinh hay ý thức khổ luyện, đều làm đậm đà phong cách sống bản thân và truyền cảm xúc đẹp cho người khác. Dạo này Mark Zuckerberg, người sáng lập facebook, thần thái ngày càng giống Bill Gates. Trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp năm 2017 ở ĐH Harvard, Mark kể anh đã được truyền cảm hứng mạnh bởi câu nói của một người không hề nổi tiếng “Tổng thống JFK thăm trung tâm Nasa, thấy một người cầm chổi nên dừng lại hỏi ông đang làm gì đấy. Người lao công trả lời: Thưa Tổng thống, tôi đang giúp đưa người lên mặt trăng.” Còn khi đã nói (và viết) đủ điều rồi, như các vị đang yên nghỉ trong điện Panthéon kia, người mộ to kẻ mộ nhỏ, người được tạc thêm tượng kẻ chỉ đơn giản một hòm bê tông không bình hoa, đều chìm đắm chung trong im lặng là lời cuối.

Theo (viết tự do, Bỉ)
MỚI - NÓNG