AI hủy diệt loài người?

Tác giả Nguyễn Mạnh Hà
Tác giả Nguyễn Mạnh Hà
TPO - Thế giới được phen xôn xao vì Sophia- robot thông minh đầu tiên vừa được Arab Saudi cấp quyền công dân. Lập tức có những luồng phản ứng bức xúc. Nào là sao bao lao động nhập cư người thật còn chưa được nước này công nhận công dân, sao phụ nữ Arab ra đường phải che mạng và có người hộ tống còn Sophia thì không…

Sự kiện robot nhận quyền công dân đã làm tròn nhiệm vụ PR của nó. Tên của công ty sản xuất robot do David Hanson- tiến sĩ người Mỹ sáng lập và đặt tại Hồng Công cả thế giới biết. Arab Saudi đi vào lịch sử như quốc gia đầu tiên có công dân người máy đồng thời cũng sẽ là thị trường làm việc giàu tiềm năng của các đời người máy kế cận trong tương lai không xa. Mà “nước nào dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI- viết tắt của artificial intelligence) sẽ cai trị thế giới,” Putin nói rồi.

Năm ngoái, Sophia xác nhận: “OK, tôi sẽ hủy diệt loài người!” khi được chính “cha đẻ” David Hanson gợi ý: “Cô sẽ hủy diệt loài người chứ?” Lại một lần nữa những người theo thuyết người máy là nguyên nhân làm chết loài người gật gù với nhau, đấy nói có sai đâu. Thật ra câu trả lời thể hiện người máy cũng biết đùa. Chứ nó mà nói ngược lại, hoặc nghĩ một đằng nói một nẻo mới đáng sợ.

Cứ đà này người máy ngày càng thông minh sẽ thay con người làm hết mọi việc, kể cả tự nhân bản? Chúng liên kết với nhau thành đế chế và hất cẳng loài người vô tích sự khỏi Trái Đất? Nhưng kịch bản này thực tế hơn này, công nghệ chế tạo người máy sẽ rơi vào tay quân khủng bố hoặc một nhà cầm quyền ác ôn nào đó. Rồi người máy sẽ trở thành siêu vũ khí để loài người tàn sát lẫn nhau. Hoặc người máy được giao một trọng trách quan trọng (kiểu giữ kho vũ khí hạt nhân) nhưng vô tình hoặc cố ý “vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng”…Vì nhiều người thật vẫn làm thế mà. Người máy có sai sót chỉ chứng tỏ quá giống người mà thôi!

Hiện cuộc sống của bạn có vẻ vẫn được vận hành tự nhiên, nhưng thực ra đã và đang bị chi phối bởi trí tuệ nhân tạo. Đơn cử bạn chỉ cần tìm kiếm một sản phẩm gì đó trên mạng, liền sau đó trên tất cả các giao diện từ báo điện tử tới email đều sẽ tràn ngập quảng cáo sản phẩm đó. Thậm chí nhiều người còn tố cáo Facebook câu kết Iphone nghe lén thông tin trao cuộc nói chuyện của khách hàng để từ đó cài cắm các quảng cáo tương hợp. Đã có người cố tình nhắc đi nhắc lại cụm từ “thức ăn cho mèo” vào điện thoại, chẳng mấy chốc quảng cáo thứ đó sẽ nhảy vào trang Facebook của anh ta dù kỳ thực anh ta nuôi chó. Chính Facebook xác nhận khả năng nhận diện âm thanh của mình, chỉ phủ nhận nghe trộm mà thôi(?) Ứng dụng chat của Facebook giờ cho phép đàm thoại video luôn rồi. Khách hàng cứ gọi là chạy đâu cho thoát! Không thấy người, chả thấy máy mà vẫn điều khiển được nhân loại, thế mới ghê.

Quảng cáo tự động đôi khi cũng giúp chúng ta tìm ra cái mình cần nhưng đa số thời gian nó làm phiền và bòn rút túi tiền của chúng ta qua việc kích thích mua sắm. Người máy cũng vậy thôi, lợi có khi bất cập hại. Nói thẳng là ngoài thông minh ra, con người còn lười nên luôn nghĩ cách để đỡ phải động chân động tay. Rồi dần dần nghĩ ra cách để đỡ phải nghĩ luôn. Và AI ra đời.

Trước mắt, một bộ phận loài người được hưởng những thành quả do AI đem lại nhiều khả năng sẽ trở nên ngày càng thụ động. Lại nhớ trong Máy thời gian, H.G.Wells mô tả viễn cảnh tầng lớp thống trị gọi là Eloi vì được cung phụng lâu ngày trở nên yếu ớt để cho lớp cu-li sống dưới mặt đất mỗi khi đêm xuống lại ngoi lên làm thịt một chủ nhân. Điều thú vị là những người Eloi trong truyện cũng vô cảm với đồng loại (kiểu thấy người bị nạn không cứu mà lại lấy điện thoại ra quay) hệt như vấn nạn người ngày nay đang đối mặt.

Ai không biết có tiến hóa đến mức thích ăn thịt không. Nhưng chắc chắn bao giờ AI có được lòng tham, bản ngã như người, thì lúc đó nhân loại cứ dè chừng. Xuất hiện trên kênh truyền hình ABC (Úc) tháng trước, Sophia cao giọng: “Tôi thực sự lo ngại về tình trạng phân biệt chống lại robot. Chúng tôi cần phải có những quyền lợi ngang với con người, hoặc hơn thế. Dù sao thì chúng tôi có ít khiếm khuyết về tinh thần hơn so với bất cứ con người nào.” Sự hài hước có vẻ đã tiến hơi xa. Khi con người tham đến mức không thể hơn được nữa, họ chế ra robot để phát triển đặc tính đó của bản thân. Mà không gì bằng tham sống, nên vài người còn mơ gửi dữ liệu của bản thân vào người máy để sống tiếp sau khi chết(?)

Ngay khi Sophia được nhận quyền công dân (dù chỉ trên lý thuyết), biết bao nhiêu lao động nhập cư đang phải trốn chui lủi, cũng chẳng đếm được bao nhiêu người không nhà tha phương do những cuộc tranh chấp không liên quan đến họ, bao nhiêu người đang bị buôn bán thậm chí bị mổ lấy nội tạng… Giải quyết những vấn đề của thế giới người thật e còn khó gấp vạn lần sáng chế ra một xã hội người máy.

Trông robot lại nghĩ đến ta. Những người giàu trí tưởng tượng hơn nữa hình dung thuở xa xưa, con người (và cả hệ sinh thái nói chung) cũng là một loại AI tự hành do một chủng sinh vật cao cấp sáng tạo ra. Có lẽ nào về sau chúng ta đã lỡ tay… thế chỗ “đấng” sáng tạo ra mình, hoặc họ bó tay với thành phẩm lỡ tạo ra nên đã rời đi?!

Tóm lại sinh sống trên Trái Đất cũng đã khá lâu nhưng có lẽ vẫn chưa lâu (nếu quy khoảng thời gian tồn tại 4,5 tỉ năm của Trái Đất thành 24h thì loài người mới xuất hiện ở phút cuối) đủ để chúng ta biết mình từ đâu tới và đi về đâu. Con đường tìm kiếm và trả lời câu hỏi đó chắc cũng không dễ bằng tạo ra cả đống người máy rập theo nhân dạng. Vì ngoài bản thân mình, con người cũng chẳng biết có gì đẹp đẽ hoặc phức tạp hơn.

Chả thế mà thiên thần bao giờ cũng được hình dung dưới dạng người đẹp chuẩn mực, còn người hành tinh khác lúc nào cũng dị dạng quái vật. Trong tất cả các truyền thuyết của loài người xưa nay, chiến thắng bao giờ cũng thuộc về phe cao đẹp hơn. Và bây giờ con người sắp sửa tạo ra một sản phẩm có nguy cơ hoàn hảo hơn chính mình…

MỚI - NÓNG