Người đứng đầu Chính phủ đưa ra yêu cầu trên khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017, diễn ra ngày 1/12.
Cụ thể, đề cập các dự án BOT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ GTVT có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ, đặc biệt là về công trình BOT Cai Lậy để đánh giá toàn diện, đồng thời nêu rõ không để kéo dài tình trạng này.
Câu chuyện BOT Cai Lậy lên đến cao trào khi năm 2017 đã bước sang tháng cuối cùng, một năm mà kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thử thách. Trên thực tế, nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và cả người dân đã giúp cho bức tranh kinh tế Việt Nam 2017 có nhiều điểm sáng. BOT, lẽ ra cũng sẽ góp phần trong những điểm sáng ấy, nếu như không có những biến tướng mà hệ luỵ của nó chính là phản ứng của người dân khi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Theo Khoản 3, Điều 3, Nghị định về Đầu tư theo hình thức Đối tác Công tư Hợp đồng thì Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Build – Operate - Transfer) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hình thức đầu tư các công trình giao thông theo dạng BOT ở nước ta hiện đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc trưng của một quốc gia đang trong giai đoạn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mới đây, ngày 30/11, khi Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra tại Bộ GTVT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng cho rằng giao thông vận tải là lĩnh vực rất quan trọng trong 3 khâu đột phá chiến lược và rất cần sự quyết liệt của Bộ GTVT trong việc nâng cấp hạ tầng giao thông.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ phải quyết liệt thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước hạn hẹp. Đây là chủ trương đúng đắn tuy ở một số dự án có vấn đề cần xử lý.
Với BOT Cai Lậy, có thể thấy rõ sự bế tắc trong thoả thuận giữa một bên là cơ quan chức năng và nhà đầu tư, một bên là người dân đi đường. Chủ đầu tư là Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang đã nhiều lần tuyên bố kiên quyết không dời trạm, một quan chức Bộ GTVT khẳng định trong thời gian tạm đóng trạm hồi tháng 8/2017, Bộ đã rà soát lại tất cả các quy định liên quan cho thấy đầu tư dự án này không sai.
Người dân thì chỉ có một câu hỏi: Tôi không đi qua đường tránh - là con đường mà nhà đầu tư đã bỏ tiền ra làm - mà chỉ đi qua Quốc lộ 1, tại sao tôi phải nộp phí?
Khi câu hỏi đó không được giải đáp thoả đáng, trả tiền lẻ, đòi nhân viên thu phí trả lại 100 đồng... chính là cách mà người dân bày tỏ thái độ.
Giải pháp cho BOT Cai Lậy là gì?
Thay vì đặt trên Quốc lộ 1 như hiện nay, trạm BOT Cai Lậy cần phải di dời về đầu tuyến đường mới Cai Lậy - tuyến đường tránh qua thị xã dài 12 km do chủ đầu tư bỏ gần 1.400 tỉ đồng ra làm; Đặt biển giới hạn phương tiện lưu thông theo giờ, theo tải trọng qua thị xã Cai Lậy. Mọi phương tiện đều có thể lưu thông trên Quốc lộ 1, vì người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ. Xe nào muốn đi nhanh thì đi đường mới và nộp phí.
Với khoản tiền hơn 300 tỉ đồng sửa 26,5 km Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy mà nhà đầu tư đã bỏ ra, Bộ GTVT cần đứng ra mua lại để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Đấy chính là cái gốc của vấn đề, để không chỉ người dân, mà cả các nhà đầu tư chân chính còn có thể yên tâm, tin tưởng với việc hợp tác đầu tư công - tư trong tương lai.
Lối thoát cho BOT Cai Lậy, chỉ có một con đường mà thôi.