Mặc rồi hãy phán

Đàn ông Hà thành diện áo ngũ thân vẫn “lê la” quán xá thoải mái. Ảnh: Phan Huy
Đàn ông Hà thành diện áo ngũ thân vẫn “lê la” quán xá thoải mái. Ảnh: Phan Huy
TP - Để ý thì thấy nhất nhất mọi thứ trong đời sống hàng ngày, chúng ta đều theo Tây. Ở nhà Tây, nghe nhạc (theo điệu thức của) Tây, tóc ngắn kiểu Tây, giầy Tây, quần cũng Tây… Nhìn ra các nước quanh vùng từ Nhật, Hàn tới Ấn Độ, Việt Nam xem ra chịu khó Âu hóa triệt để hơn cả, từ chữ viết tới trang phục. Giờ nói đến áo nghĩa là áo Tây rồi nên lại phải có những định ngữ như “áo dài nam truyền thống” để nói về một trang phục của ông cha ngày xưa.

Nhân dịp Sở VH&TT Thừa Thiên-Huế có sáng kiến cho nam viên chức mặc áo dài để chào cờ vào sáng thứ Hai đầu mỗi tháng và ngày lễ, nhiều người mới biết về khái niệm “áo ngũ thân”- kiểu áo thịnh hành nhiều thế kỷ trước, thầy thợ đều mặc. Vậy nên không ngạc nhiên là quy định của một cơ quan địa phương nhưng lại nhận được khắp nơi hưởng ứng rôm rả đến thế.

Mặc dù số ý kiến tích cực có thể là áp đảo (theo cuộc điều tra của một tờ báo thì có tới gần 4.000 người cho rằng nên mặc để giữ gìn văn hóa truyền thống trong khi số ý kiến cho rằng bất tiện chỉ hơn 1.800), nhưng những ý kiến phản đối bao giờ cũng nổi bật hơn. Người đồng tình gật đầu cái là thôi. Còn người phản đối thì có vô vàn lý lẽ, cách diễn đạt từ nghiêm trang tới hài hước. Nào là mặc áo dài bí bức, vướng víu, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, không phù hợp với các hoạt động ở công sở. Lại có ý kiến cho rằng như thế là dựng lại “bóng ma” của thời phong kiến mà Khổng giáo là một đại diện.

Áo ngũ thân gồm hai thân trước và hai thân sau may liền thành hai vạt tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, thân con nép bên trong là bản thân người mặc thể hiện sự khiêm cung. Bảy lớp khăn đội đầu tương ứng 7 vía của người nam được xếp thành hình chữ Nhân hoặc chữ Nhất… Áo cài 5 cúc tượng trưng cho Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín- những đức tính mà thời nay chắc chắn vẫn đáng hoan nghênh. Các cụ để ý không dùng cúc vải giống xường xám Trung Quốc mà chơi các chất liệu ngọc, gỗ hay bạc.

Dù có để ý đến những chi tiết biểu tượng đó hay không thì mặc áo dài vẫn tạo nên một không khí hoài cổ, mà “lỗi” không phải do cái áo mà do đã lâu chúng ta không mặc nó. Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách thì trang phục Tây hay Ta cũng sẽ có những sự tiện và bất tiện. Chẳng qua một khi đã quen thì chúng ta khắc phục và bỏ qua, còn định kiến thì sẽ “ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”. Ông cho rằng chúng ta đã bỏ mặc áo dài truyền thống là do thay đổi về ý thức hệ (cái ý thức cho rằng áo dài gắn với phong kiến, cổ hủ, lạc hậu) chứ không phải do bất tiện hay mất thẩm mỹ của thứ trang phục mà cha ông ta phải mất nhiều đời mới tạo tác ra.

Áo dài đã tôn lên những nét đẹp riêng của phụ nữ Việt Nam mà phụ nữ phương Tây dù đẹp đến mấy mặc vào cũng không thể có. Bản thân người viết chưa có dịp mặc áo ngũ thân nhưng mỗi khi mặc áo dài biểu diễn, áo dài thiết kế vẫn cảm thấy trang trọng và tôn được cái dáng không lấy gì làm chuẩn của mình. Chính ra mặc áo vest còn khó cử động hơn áo dài. Còn lối bỏ áo sơ-mi trong quần vào mùa hè cũng chỉ hợp với phòng lạnh mà thôi. Nói chung thời nay tự do ăn mặc miễn đảm bảo lịch sự nơi công cộng. Nên nếu có gì bất tiện hãy để cho những người mặc áo dài tự cảm nhận. Bất tiện quá đương nhiên họ phải bỏ.

Còn nếu người Huế “cam chịu” mặc áo dài để tạo thêm một nét văn hóa đất thần kinh cho khách thập phương đến ngắm thì cũng tốt mà. Một cách phát triển du lịch, khôi phục nghề truyền thống hay đấy chứ!

MỚI - NÓNG