Mắc nghẹn ở đâu?

Mắc nghẹn ở đâu?
TP - Câu chuyện đóng tiền sử dụng đất tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) đẹp bậc nhất Thủ đô lại có dịp nóng lên khi mới đây các sở ngành của Hà Nội xới lại vấn đề này.

> Khi học chỉ để thi
> Quyền được bảo hiểm

Con số 1.400 tỷ đồng “truy thu” bổ sung tiền sử dụng 100 ha đất thuộc giai đoạn II của dự án sẽ chẳng có gì lạ nếu nó được định đoạt gần chục năm trước.

Tuy nhiên sau gần tám năm bàn thảo, số tiền không nhỏ ấy của ngân sách thành phố vẫn chưa được nộp công quỹ. Một việc rõ như ban ngày lại phải vòng vo Tam Quốc sau tám năm vẫn chưa tỏ? Chắc tại 1.400 tỷ đồng này là tiền ngân sách, tiền của dân (?).

Có thể vì tiền của dân, tiền của chung nên việc thu hay chưa thu, thậm chí là thu hay không thu cũng chưa ai trong các cơ quan chức năng đề cập.

Người ta khó có thể đổ lỗi cho cơ chế chính sách, hay hành lang pháp lý được khi mà Hà Nội đâu chỉ có một khu đô thị Ciputra. Và nếu có vướng “chính sách”, hẳn một khoản tiền lớn nộp cho ngân sách không thể kéo qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo mà chưa được xử lý dứt điểm.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, khu đô thị Ciputra hình thành là một trong những mô hình phát triển đô thị mẫu mực giữa doanh nghiệp nội và ngoại. Đổ hàng trăm triệu đô la tạo nên khu đô thị Ciputra đẳng cấp, chắc hẳn các nhà đầu tư cũng không thể lại mù mờ luật chơi được.

Nhưng con số 1.400 tỷ đồng đủ để làm người giàu cũng phải xúc động. Sau tám năm chưa ngã ngũ, số tiền ngân sách của thành phố theo lãi suất ngân hàng cũng đủ lớn gấp đôi (khoảng 3.000 tỷ đồng).

Đại diện UDIC đơn vị đối tác phía Việt Nam trong liên doanh khi được đề cập đến số tiền 1.400 tỷ đồng bị đề nghị phải nộp đã giãi bày: “Tài chính trong liên doanh năm nào hạch toán năm đó, có lợi nhuận, nộp thuế, chia cổ tức cả rồi”. Cháo đã múc, còn tiền ngân sách thì chưa phải trả! Thật buồn, 1.400 tỷ đồng của ngân sách dường như chẳng ai chịu trách nhiệm.

Theo một số chuyên gia kinh tế, với số tiền 1.400 tỷ đồng, nếu phải nộp tại thời điểm này, doanh nghiệp dường như đã “ăn không”. Bởi tự thân số tiền ban đầu đủ để doanh nghiệp sinh lời gấp đôi sau tám năm.

Tuy vậy đến thời điểm này số phận của cả ngàn tỷ đồng chưa được định đoạt vì còn phải tiếp tục bàn bạc, xin ý kiến tiếp. Kéo theo đó hàng trăm hộ dân mua nhà giai đoạn II của dự án vẫn chưa thể có sổ đỏ.

Dư luận đặt câu hỏi, vật cản nào đã làm 1.400 tỷ đồng sau tám năm vẫn chưa chảy vào ngân sách, và vì sao chính quyền Hà Nội lại bối rối, khó xử với số tiền này? Chắc không đơn giản là thủ tục hành chính!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG