Mỗi bài dưới dạng nội dung trả lời cho một câu hỏi là hoàn chỉnh một vấn đề. Ngắn gọn, cô đọng, súc tích, đồng thời có tính khái quát, có chiều sâu, có ý nghĩa gợi mở và khích lệ người đọc tiếp tục khai thác tài liệu từ những nguồn khác. Các bài viết đều có sức hấp dẫn của tri thức, vừa quen vừa lạ, vừa bảo đảm tính chính xác lại khiến người đọc có lúc ngỡ ngàng như được đón nhận tri thức mới. Cái lạ cái mới cái hấp dẫn ấy của mục Hỏi đáp đã khiến tôi thường xuyên mong chờ mỗi kỳ tạp chí.
Người trả lời ký tên là Bàng Ẩn. Tôi đoán đấy là một tác giả cộng tác thường xuyên với Văn Hóa Phật Giáo. Lại còn nghĩ, có khi đấy là một tập thể tác giả mang một cái tên chung. Giống như có thời nhiều tác giả làm nên cái tên chị Thanh Tâm ở báo Phụ Nữ Việt Nam.
Năm 2012, tôi mua một cuốn sách tên là Vấn đáp Phật giáo, xem lướt qua tại chỗ thì thấy đấy là tập hợp bốn mươi tám bài của mục Hỏi đáp trong hai năm 2007 và 2008. Ở trang bìa gấp có mấy dòng giới thiệu về người viết:
“Tác giả Bàng Ẩn (người phụ trách chuyên mục Hỏi đáp trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo) đã biên soạn, phiên dịch nhiều tác phẩm, từng giảng dạy Phật học nhiều năm ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, hiện là phó tổng biên tập thường trực kiêm thư ký tòa soạn tạp chí Văn Hóa Phật Giáo”.
Thế thì tôi biết người này. Ông không hề là người xa lạ, chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc về bài vở bằng thư điện tử. Ông là Trần Tuấn Mẫn, nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu Phật học mà tôi tin cậy.
Trước hết nói về sự tin cậy. Lần đang viết cuốn sách khảo luận Namaskar, xin chào Ấn Độ, tôi chạm đến khái niệm transcendental meditation, viết tắt là TM. Đang bí, không biết tiếng Việt gọi nó là loại thiền gì, tôi gặp anh Mẫn ở Huế, bèn tranh thủ hỏi, anh bảo đó là tối thượng thiền. Tối thượng thiền. Người chuyên sâu nghiên cứu mới chỉ ra ngay được như thế.
Lâu lâu trước đó, tôi viết xong cuốn Đức Phật, nàng Savitri và tôi, rồi nhờ thầy Thích Chơn Thiện đọc giúp. Thầy Thích Chơn Thiện lúc ấy đương là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một học giả có uy tín. Thầy đọc, góp ý tỉ mỉ một số chi tiết. Tôi vẫn có chút tham lam, muốn có thêm một người am hiểu vấn đề đọc cho, bèn nhờ thầy giới thiệu. Thầy Thích Chơn Thiện nói luôn: Nhờ anh Mẫn đọc được đó.
Tôi chỉ nghe tên anh Mẫn, biết anh là con trai của nhà văn, nhà phê bình văn học Trần Thanh Mại, chứ lúc ấy chưa gặp anh. Việc nhờ anh đọc bản thảo cũng không thực hiện được vì cách trở và thiếu sự kết nối.
Năm 2007, cuốn Đức Phật, nàng Savitri và tôi có buổi ra mắt ở nhà văn hóa Thanh Niên, thành phố Hồ Chí Minh. Rốt cuộc tôi cũng phải xuất hiện, mặc dù thường xuyên tránh những sự kiện kiểu này. Nhiều người đọc, nhiều đồng nghiệp viết văn lần lượt lên phát biểu và trao đổi. Rồi nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc là người dẫn chương trình tiếp tục: Xin mời ông Trần Tuấn Mẫn ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi giật mình. Nhớ ngay đến lời thầy Thích Chơn Thiện năm trước: Nhờ anh Mẫn đọc được đó.
Anh Mẫn hôm ấy đã lên nói những điều chia sẻ và đồng cảm với cuốn sách. Anh cũng nêu một chi tiết khác biệt giữa tiểu thuyết và kinh điển Phật giáo: chàng phú thương Yasa về sau thành một đại đức trong giáo hội của Phật, còn trong tiểu thuyết của tôi, chàng có lúc phạm sai lầm trước cám dỗ của nàng Savitri.
Nêu ra vậy thôi, anh Mẫn là người rất am hiểu tính đặc trưng của thể loại. Khi tạp chí Văn Hóa Phật Giáo chuẩn bị đăng bài của Võ Anh Minh bình luận về cuốn tiểu thuyết này, tôi sực nhớ trong bài có đoạn so sánh chi tiết Phật ra đời trong tiểu thuyết với chi tiết trong cuốn Phật học khái luận của thầy Thích Chơn Thiện. Cái sự so sánh giữa lịch sử (trong tiểu thuyết) và huyền tích (trong cuốn giáo lý) khiến tôi băn khoăn như có điều gì không nên đối với bậc cao trọng là thầy Chơn Thiện. Tôi viết thư điện tử cho anh Mẫn, hỏi xem anh có nên cắt đoạn so sánh ấy đi hay không. Không sao, anh Mẫn trả lời. Ý anh là người đọc am hiểu sẽ đủ khả năng để phân biệt tiểu thuyết với huyền tích Phật giáo.
Nhiều người biết anh Mẫn là phó tổng biên tập kiêm thư ký tòa soạn, tức là người chèo chống cho tạp chí qua nhiều sóng gió, cả sóng gió có thể khiến nó khó đi đúng đường hướng đã lựa chọn, cả sóng gió về nội dung, với nhiều nỗ lực để duy trì sự tồn tại giữa thị trường. Sau lần gặp gỡ đầu tiên ở buổi ra mắt sách, anh Mẫn và tôi giữ liên lạc khá đều bằng thư điện tử. Năm 2008, tạp chí tổ chức Tuần Văn hóa Phật giáo ở Huế.
Nể anh và ban tổ chức mà tôi nhận lời vào Huế tham dự. Tôi muốn chia sẻ khó khăn của tạp chí nên chủ động từ chối chiếc vé máy bay do ban tổ chức đài thọ, tôi đi tự túc. Cũng ngại một mình đứng nói gần hai tiếng đồng hồ trước cử tọa có thể gây nhàm chán, tôi nhờ anh Mẫn ngồi cùng trên diễn đàn, dùng hình thức trao đổi giữa hai người. Anh thỉnh thoảng đặt câu hỏi, tôi trả lời. Cứ thế mà hoàn thành một chương trình trao đổi trước công chúng về văn hóa Ấn Độ.
Lần gần đây nhất chúng tôi gặp nhau là dịp tết Diwali của Ấn Độ, cuối tháng 10/2014. Tôi từ Iran bay sang thăm lại đất Phật Boddhgaya. Bước vào Việt Nam Phật quốc tự rậm rạp như cánh rừng của thầy Huyền Diệu thì gặp luôn anh Mẫn ở đấy. Anh cũng vừa mới sang đến nơi. Không hẹn mà gặp, thật đúng là duyên kỳ ngộ. Người từ Trung Đông sang, người từ Sài Gòn đến, điểm gặp gỡ là xứ Phật.
Buổi chiều se lạnh, tách khỏi những đoàn Phật tử tíu tít xung quanh, anh Mẫn và tôi rủ nhau sang chùa Đại Giác Maha Boddhi, nơi có cây bồ đề của Phật. Các đoàn Phật tử từ nhiều nước lũ lượt và nườm nượp đổ vào chùa, hầu như không còn hở ra một phân vuông nào. Chúng tôi cũng cố chen lách vào tìm cho mình những khoảng không gian riêng để chiêm nghiệm, thậm chí để chụp cho nhau vài tấm ảnh.
Chúng tôi chụp ảnh bên bức tường đá có họa tiết hoa sen, di tích hiếm hoi còn lại từ thời vua Ashoka thế kỷ III trước Tây lịch. Chụp bên ao sen nơi Phật xuống tắm và được linh xà che đỡ. Đang đi trong khuôn viên chùa thì có người nhận ra anh Mẫn. Người đàn bà trung niên ấy gọi anh là thầy.
Cô đang lưu lại trong chùa Sri Lanka và tha thiết mời thầy Mẫn hôm nay đi ăn tối. Mãi sau khi cô đi rồi, anh Mẫn vẫn còn áy náy. Cô là học trò của anh ở Học viện thành phố Hồ Chí Minh, chắc thời gian vừa rồi cô di trú đâu đó. Anh băn khoăn vì mình có thể từ chối lời mời của cô, nhưng lẽ ra nên tỏ ý cảm kích nồng nhiệt hơn, không phải có phần hơi khô khan như thế.
Một vài kỷ niệm cũ trở về khi giờ đây tôi đọc lại những bài vấn đáp Phật giáo của tác giả Bàng Ẩn mà hóa ra là anh Trần Tuấn Mẫn. Anh đã kín tiếng mà không hề tiết lộ cho tôi biết đấy là bút danh của anh. Biết được rồi, tôi bèn dấn tới mà “đặt hàng”: anh nên thu xếp để viết tiếp loạt bài này, trước hết để in trên tạp chí, sau đó tập hợp thành một cuốn sách mới. Kiểu bài viết ấy có ích cho nhiều người, trước hết là những người như tôi.
Thực sự có ích, sáng rõ, dễ hiểu, cô đọng mà đủ sức gợi mở sâu xa. Đây nhé, chẳng hạn tác giả đã viết như thế này về sự khác nhau giữa Phật và A-la-hán: “A-la-hán như một người vừa trả xong một món nợ. Về phương diện không có nợ thì người này ngang bằng với một nhà đại phú; nhưng về mặt tiền của thì người này không thể ngang bằng với nhà đại phú được. Ở đây, Đức Phật được ví như nhà đại phú kia vậy”.
Những cách lý giải như vậy có rất nhiều trong tập Vấn đáp Phật giáo. Đấy là lý do khiến cho cuốn sách đáng đọc, và cũng là lý do để ta mong muốn tác giả viết thêm những cuốn sách như thế.