Khi dư luận thế giới còn chưa lắng xuống vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga gây ra những căng thẳng cho quan hệ hai nước thì việc binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập sâu vào lãnh thổ Iraq và lập nên các trại huấn luyện cho người Kurd đang làm cho tình hình Trung Đông trở lên nóng rẫy.
Tung binh lính vào Iraq
Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, nước này hiện có khoảng 1.200 lính bộ binh, 500 lính bộ binh cơ giới với nhiều xe tăng, xe bọc thép và pháo ở khu vực Bamarni, gần thành phố Mosul của Iraq. Ngoài ra, họ còn có 400 lính đặc nhiệm đóng quân tại thị trấn biên giới Kanimasi, cùng 25 xe tăng được điều đến khu vực này.
Từ năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở trại huấn luyện Bashiqa ở ngoại ô Mosul cho dân quân người Kurd, đồng thời mở thêm hai căn cứ nữa ở Soran và Qalacholan thuộc khu tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq.
Được biết, Mosul trở thành sào huyệt của IS ở Iraq kể từ khi thành phố này rơi vào tay phiến quân từ tháng 6/2014. Tuy nhiên, mới đây, dân quân người Kurd dưới sự yểm trợ của Không quân Mỹ đã phong tỏa tuyến đường cao tốc nối liền Mosul với khu vực do IS kiểm soát ở Syria và đang mở chiến dịch để đẩy IS ở thành phố vào tình thế bị cô lập và sớm sụp đổ.
Đúng lúc IS ở Mosul rơi vào tình thế nguy ngập nhất thì hàng trăm binh sĩ được vũ trang hạng nặng của Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện ngay gần thành phố này. Lý do mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra để giải thích cho hành động điều quân trên là để bảo vệ lực lượng mà họ đã triển khai ở đó từ trước nhằm huấn luyện dân quân người Sunni. Thế nhưng không mấy ai tin vào lý do đó.
Sáp nhập một phần Iraq vào lãnh thổ?
Theo các chuyên gia quân sự phân tích, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Erdogan đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng và tiếng nói ở nước này, sau những thất bại về chiến lược ở Syria.Truyền thông nhà nước Nga đặt giả thuyết cho rằng, liệu việc đưa quân đội đến miền Bắc Iraq của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được xem là bước đầu tiên của âm mưu sáp nhập phần lãnh thổ phía Bắc Iraq vào bản đồ lãnh thổ của Ankara?.
"Ông Erdogan muốn là một phần trong bất cứ điều gì sắp diễn ra ở Mosul, và việc điều quân đến đây là biện pháp tốt nhất để đảm bảo cho điều đó", một quan chức cấp cao Iraq tiết lộ.
"Với quy mô của lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đóng quân ở Iraq, nhiều khả năng ông Barzani - Lãnh tụ người Kurd ở Iraq đã cho phép Ankara đồn trú lâu dài ở gần Mosul", ông Patrick Martin, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, cho biết.
"Động thái điều quân mới nhất này nhằm tăng cường sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ, và đây chắc chắn là một phần trong tham vọng sáp nhập lãnh thổ do người Kurd kiểm soát ở Iraq vào Thổ Nhĩ Kỳ" - ông Aaron Stein, chuyên gia Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, nhận định.
Tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad
Theo nhà báo Dexter Filkins, toan tính "tranh quyền đoạt lợi" của Tổng thống Erdogan, đã rất rõ. Kể từ năm 2011, khi phong trào nổi dậy ở Syria bùng lên, ông Erdogan đã tìm cách lợi dụng tình hình để thu lại lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ bằng những hành động ủng hộ gần như công khai với phe nổi dậy.
Tuy nhiên, ông đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi hậu thuẫn, viện trợ cho một loạt các nhóm phiến quân, trong đó có cả IS, nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người từng là đồng minh, thân hữu của ông. Ankara đã cho phép, thậm chí là giúp đỡ, các chiến binh nước ngoài vượt biên vào Syria qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Filkins cho rằng, IS không thể bành trướng mạnh như hiện nay nếu không có sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ?
Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria chính là một phần trong chiến lược của họ trên toàn khu vực Trung Đông trong những năm đầu của phong trào Mùa xuân Arập.
Ở bất cứ nơi nào có thể, ông Erdogan đều hậu thuẫn cho các phe phái chính trị có liên quan đến phong trào Anh em Hồi giáo. Đây là phong trào của người Hồi giáo dòng Sunni, khởi nguồn cho đảng cầm quyền AKP của ông Erdogan.
Khi Nga tấn công IS ở khu vực biên giới Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, việc các máy bay liên tục dội bom đã ảnh hưởng đến lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, cắt đứt nguồn dầu lửa giá rẻ mà IS bán chui cho họ.
Thổ Nhĩ Kỳ đang ủng hộ một số lực lượng du kích người Turk chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và chống Nga. Vì thế, khi Nga tấn công vào khu vực biên giới, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng và đỉnh điểm là vụ bắn hạ máy bay.
Vụ việc cũng cho thấy cách tiếp cận khác nhau của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ với vấn đề Syria. Nga không muốn để lại bất kỳ khu vực nào cho IS và lực lượng chống chính quyền Assad và IS. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ muốn giữ một hành lang an toàn và không muốn Nga tấn công vào khu vực gần biên giới của họ.
Hành động này cho thấy chính sách hai mặt của Thổ Nhĩ Kỳ, khi nước này đang ngụy trang và có sự dung túng nhất định, đặc biệt là cho hoạt động buôn bán dầu mỏ trên thị trường đen.
Việc làm của Thổ Nhĩ Kỳ là một tín hiệu cảnh báo tới Nga, nước đang có quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ với Iraq. Mặc dù là một đồng minh của Mỹ, gần đây Iraq đã bật đèn xanh cho Nga thực hiện các vụ không kích chống IS trên lãnh thổ nước mình.
Trong khi đó, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xấu đi sau vụ bắn rơi máy bay Su-24 trên biên giới Syria. Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ ngầm ủng hộ và mua dầu của IS, đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của ông Erdogan.Trong bài phát biểu hôm thứ 2 (22/12), Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu lên án các cuộc không kích của Nga hôm chủ nhật nhằm vào trung tâm của phiến quân ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria đã khiến 200 dân thường thiệt mạng.Trong một diễn biến có liên quan, trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 4 tàu Nga gần cảng Samsun miền Bắc, nằm bên bờ Biển Đen, nhằm đáp trả hành động cấm vận của Nga đối với các tàu của Ankara.