Sứ mệnh này đã được chuẩn bị trong vòng 10 tháng - rất lâu trước khi xảy ra vụ việc máy bay Nga bị bắn rơi, và theo Tổng Thư ký NATO Jens Stolteberg, hai sự việc này không liên quan đến nhau. Tuy nhiên, nguồn tin từ NATO cho biết sự cố Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga nói trên đã thôi thúc các nước đồng minh của khối nhanh chóng có thêm sự hỗ trợ thích hợp nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Moskva và Ankara thông qua việc tiếp nhận một vai trò trong công tác kiểm soát không phận của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Ankara sau vụ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của Nga vì cho là máy bay này đã vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria hôm 24/11 - một kiểu sự cố chưa từng xảy ra kể từ sau Chiến tranh Lạnh, song một số nước đồng minh đã lên tiếng cảnh báo và kêu gọi các bên kiềm chế.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara cho biết nước này và NATO dự định sẽ phát triển một hệ thống ngăn ngừa các sự cố có thể xảy ra trên không phận của Thổ Nhĩ Kỳ và NATO.
Kế hoạch sớm được phê chuẩn mà không cần thông qua thảo luận này bao gồm việc cung cấp máy bay tiêm kích đánh chặn, các máy bay gắn rađa thuộc Hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không (AWACS) và một đơn vị hải quân với các tàu chỉ huy và tàu khu trục có tên lửa chống tàu và phòng không.
Sứ mệnh vừa bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ, vừa đóng góp cho chiến dịch không kích chống lại tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tại Syria và Iraq của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu sẽ là một nhiệm vụ kép. Tuy nhiên, sự hiện diện của NATO cũng có thể được coi là một động thái nhằm kiềm chế Ankara.
Quân đội Mỹ đang hoạt động độc lập với Moskva trong công tác “hóa giải xung đột” ở Syria, với mục đích ngăn ngừa các sự cố giữa không quân hai nước. Một số nguồn tin cho biết nhiều nước đồng minh đang phản đối việc khôi phục Hội đồng NATO - Nga vốn đang bị quên lãng - một diễn đàn mà phương Tây đã tẩy chay nhằm phản đối hành động Nga chiếm hữu và sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine hồi năm ngoái.
Với việc triển khai một hạm đội các máy bay giám sát AWACS nhằm kiểm soát vùng không phận dọc biên giới Syria, đặc biệt là sự hợp tác với các lực lượng không quân của một số nước đồng minh đang hoạt động ở Căn cứ Không quân Incirlik, NATO sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ quản lý không phận nước này.
Vùng không phận mà AWACS kiểm soát nằm trong bán kính hơn 400 km và hệ thống này sẽ trao đổi thông tin qua các đường dây kết nối dữ liệu kỹ thuật số với các trạm chỉ huy dưới mặt đất, trên biển và trên không. Hiện NATO đang giám sát không phận toàn bộ vùng biển Aegean từ trụ sở ở miền Nam của họ tại Naples, Italy, với mục đích là hạn chế xảy ra các sự cố.
Giới ngoại giao nhận định rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu đang ở trong tình thế khó khăn khi vừa phải hối thúc Ankara làm nhiều hơn để chống IS ở Syria, trong đó có việc đóng cửa một trong số các đường biên giới mà những kẻ thánh chiến và buôn lậu dầu mỏ đi qua, vừa phải kêu gọi họ tránh gây thêm sự cố với phía Nga, đồng thời vẫn phải duy trì tiến trình hòa bình với cộng đồng người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.