Lý giải dê của hộ nghèo 'vào nhầm' nhà Bí thư Huyện ủy

Số dê "vào nhầm" nhà Bí thư Huyện ủy đã được giao lại cho hộ nghèo.
Số dê "vào nhầm" nhà Bí thư Huyện ủy đã được giao lại cho hộ nghèo.
Để giúp người nghèo huyện Thạch Thành phát triển chăn nuôi, thoát nghèo, UBND thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đã cấp cho Thạch Thành 24 con dê. Tuy nhiên, một nửa số dê này lại bị “cấp nhầm” cho Bí thư Huyện ủy.

Theo chương trình kết nghĩa giữa ông Tạ Ngọc Phước - Bí thư Thị ủy Bỉm Sơn và ông Đỗ Minh Qúy - Bí thư Huyện ủy Thạch Thành vào tháng 3/2014, thị xã Bỉm Sơn hỗ trợ Thạch Thành 7 nội dung chương trình; trong đó có nội dung hỗ trợ giống vật nuôi để xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi dưới tán rừng.

Theo đó, trong năm 2014, thị xã Bỉm Sơn thực hiện trao 2 đợt dê giống cho các hộ nghèo huyện Thạch Thành với tổng số 60 con, trị giá 250 triệu đồng. Xã Thành Yên, huyện Thạch Thành được chọn làm nơi cấp phát dê đợt 1 và các đối tượng được thụ hưởng là hộ nghèo. Tuy nhiên, ngay trong đợt cấp phát đầu tiên, nửa số dê đã không tới được tay người nghèo.

Cụ thể, đợt thứ nhất Bỉm Sơn trao 24 con dê vào ngày 3/6/2014 cho 6 hộ nghèo ở xã Thành Yên. Tuy nhiên, chỉ có 12 con dê được cấp đúng đối tượng là hộ nghèo gồm 3 hộ: ông Đinh Văn Liên (thôn Thành Tân); Đinh Văn Phú (thôn Yên Sơn 1) và Đinh Văn Phước (thôn Yên Sơn 2), mỗi hộ nhận 4 con dê.

12 con dê còn lại được trao cho 3 hộ khác là ông Đỗ Quang Phê, Đỗ Văn Thi và Nguyễn Văn Quý. Điều đáng nói là ông Phê và ông Thi là cháu ruột của ông Đỗ Minh Quý, Bí Thư Huyện ủy Thạch Thành; còn ông Nguyễn Văn Quý  là cán bộ địa chính xã. Theo xác nhận của Trưởng Công an xã Thành Yên, cả 3 ông này không có hộ khẩu thường trú ở xã Thành Yên và cũng không phải là hộ nghèo.

Sau khi ký xác nhận, 12 con dê trao sai đối tượng được đưa vào thẳng vào trang trại chăn nuôi của vị Bí thư Huyện ủy Thạch Thành Đỗ Minh Quý (nằm ở thôn Thành Trung). 6 tháng sau khi đàn dê “đi nhầm” vào trang trại của lãnh đạo huyện, vụ việc mới bị người dân phát giác.

Về việc này, ông Đỗ Minh Quý, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành, thừa nhận việc xã đưa 12 con dê vào trang trại của mình nhưng ông lý giải: Ông nghĩ đó là dê được phân bổ từ dự án của Bộ Khoa học công nghệ về phát triển chăn nuôi giúp đồng bào huyện miền núi thoát nghèo (Dự án được Trung ương hỗ trợ 2,4 tỉ đồng, mỗi hộ được cấp hơn 10 con) chứ không biết đó là dê hỗ trợ của thị xã Bỉm Sơn. Ông cũng cho biết, sau khi phát hiện “nhầm lẫn”, ngày 13/1/2015, ông đã yêu cầu cấp lại dê ngay cho các hộ nghèo (!?).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trương Văn Gương, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thành Yên, xác nhận việc đưa 12 con dê vào trang trại ông Quý là có thật. Tuy nhiên, ông Gương cho biết, do trên phân bổ, xã thấy cũng "không đáng là bao" nên xác nhận và đưa dê vào trang trại ông Quý để... dê được chăm sóc tốt hơn.

Cũng theo ông Gương thì hiện toàn xã Thành Yên có 252 hộ nghèo và 3 hộ nhận số dê để đưa vào trang trại ông Qúy không phải hộ nghèo. Việc trao dê sai đối tượng xã đã khắc phục và rút kinh nghiệm. Chiều 13/1/2015, huyện Thạch Thành “sửa sai” bằng cách bắt 12 con dê từ trang trại của Bí thư Huyện ủy ra phân phát lại cho 3 hộ nghèo gồm: ông Đinh Văn Phước, ông Quách Văn Chung và ông Đinh Văn Cảnh, cùng ở thôn Yên Sơn 2.

Ông Phạm Bích Ngọc, Trưởng Trạm khuyến nông huyện Thạch Thành, lý giải: “Số dê cấp không đúng đối tượng là ý đồ của xã chọn 3 hộ không phải hộ nghèo, vì giống dê lai cần có kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, trong khi hộ nghèo chưa có đủ điều kiện, đặc biệt là chuồng trại, kỹ thuật, nên xã Thành Yên mới chọn 3 hộ có đủ các yếu tố trên để đưa dê vào nuôi, phát triển, sau đó mới nhân giống và đưa lại số dê cho hộ nghèo. Xã nghĩ như vậy là hợp lý, nhưng về đối tượng là không đúng nên sau khi phát hiện ra việc đó, chúng tôi đã cho khắc phục ngay”.

Ông Ngọc cũng cho hay, đến nay huyện Thạch Thành đã nhận của thị xã Bỉm Sơn 2 đợt hỗ trợ dê, tổng cộng 60 con, trị giá 250 triệu đồng.

Theo Bình Minh

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.