Lý do Nga úp mở về khách hàng mua S-400

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga
Báo chí Nga đang đồng loạt đưa tin về các đơn hàng mua S-400 từ “nước ngoài” song không cung cấp chi tiết. Vậy đâu là lí do của việc úp mở này?

Như tin đã đưa, các tờ báo lớn của Nga ngày 18/6 đồng loạt đăng tải tin tức về việc nước này nhận được nhiều đơn đăng ký mua tổ hợp phòng không S-400 Triumph từ các khách hàng nước ngoài. Đích thân ông Igor Sevastyanov, Trưởng phái đoàn Nga tham dự Triển lãm quân sự hàng đầu thế giới Eurosatory-2014 đang diễn ra ở Pháp, xác nhận thông tin này.

Ông Sevastyanov cho biết thêm, các đơn đăng ký hiện đang được phía Nga xem xét. Tuy nhiên, vị đại diện này lại không cung cấp thêm chi tiết đơn đăng ký mua hàng đến từ các nước nào.

Ông Sevastyanov nói: “Có rất nhiều nước sẵn sàng mua tổ hợp này. Nhu cầu là có và chúng đang được xem xét một cách rất cẩn trọng”.

Trước đây, Bộ Quốc phòng Nga từng khẳng định cho tới trước năm 2015, toàn bộ số S-400 được sản xuất ra sẽ chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước của Nga. Ngay cả các đồng minh của Nga là Belarus và Kazakhstan cũng chỉ nhận được các tổ hợp này sau khi S-400 được triển khai hoàn toàn ở Nga.

Hồi tháng Tư vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đề cập tới việc cần phải tăng cường sản xuất các hệ thống phòng không tối tân để xuất khẩu cho các nước đồng minh và đối tác của Nga. Trong số các tổ hợp được ông Putin nhắc tới có S-300, S-400 và Pantsir-S1.

Thời gian qua, khách hàng tiềm năng nhất và có thể trở thành khách hàng đầu tiên mua S-400 của Nga chính là Trung Quốc. Hồi tháng Năm, nhân chuyến thăm của ông Putin tới Thượng Hải, báo chí Trung Quốc đã tung tin rằng hai nước đã đạt được thỏa thuận về việc Nga bán S-400 (và cả máy bay Su-35) cho Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay sau đó, báo chí Nga dẫn lời của giới chức nước này bác bỏ thông tin của báo chí Trung Quốc.

Lý do Nga úp mở về khách hàng mua S-400 ảnh 1

Trung Quốc vẫn là khách hàng tiềm năng nhất của S-400


Tuy nhiên, trên thực tế thì Trung Quốc vẫn là khách hàng tiềm năng nhất của S-400. Cho tới nay, Nga vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng bởi nhiều lý do.

Lý do đầu tiên có thể thuộc về vấn đề nguyên tắc, tức là Nga chỉ xuất khẩu S-400 sau năm 2015 như trong kế hoạch trước đó. Giới chức quốc phòng Nga mới lên nắm quyền dưới thời Tổng thống Putin có lẽ không muốn thay đổi hoàn toàn các nguyên tắc do những người tiền nhiệm đặt ra.

Lý do thứ hai có thể là do những bất đồng giữa Nga và Trung Quốc về các điều kiện hợp đồng và giá cả. Điều này dẫn tới một nguyên nhân thứ ba là phía Nga có thể lo ngại Trung Quốc mua với số lượng nhỏ và tiến hành sao chép. Mặc dù hai bên đã có các thỏa thuận về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, song không có gì đảm bảo sự tin tưởng vào Trung Quốc.

Về tính hiệu quả, S-400 rất cần thiết đối với Trung Quốc để nâng cao khả năng phòng thủ của quốc gia đang “gây hấn” với hầu hết các nước này. Với tầm bắn lên tới 400 km, S-400 có thể vươn rộng ra toàn bộ khu vực khi được bố trí hợp lý.

Thực tế trên có thể dẫn tới một lý do thứ tư mà Nga chưa quyết định bán S-400 cho Trung Quốc vì không muốn có sự thay đổi cán cân lực lượng và thậm chí mất cân bằng trong khu vực.

Bất chấp những lý do trên, việc chưa đưa ra quyết định cuối cùng không có nghĩa là Nga sẽ không bán S-400 (và Su-35) cho Trung Quốc. Một nước Nga vốn phụ thuộc nhiều và xuất khẩu dầu khí (đang gặp khó khăn) và vũ khí thì việc bán S-400 để thu tiền về chỉ là vấn đề thời gian. Trong bối cảnh hiện nay, không có gì đảm bảo rằng Nga sẽ tiếp tục trì hoãn bán S-400 cho Trung Quốc.

Báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 17/3 cho thấy trong giai đoạn 2009-2013, Nga cùng với Mỹ vẫn là những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, trong đó Nga chiếm tới 27% thị phần thế giới. Trong năm 2013, Nga đã bán được tới hơn 10 tỷ USD vũ khí các loại.

Theo Theo baodatviet.vn
MỚI - NÓNG