Lý do gói hỗ trợ lãi suất 2% 'ế chỏng chơ'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngân hàng Nhà nước cho biết, gói tin dụng 40.000 tỷ đồng được hỗ trợ lãi suất 2%/năm giải ngân chậm do khách hàng từ chối nhận, tâm lý e ngại sau này bị các cơ quan chức năng thanh kiểm tra. Một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất nhưng hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ.

Trong báo cáo vừa gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về hoạt động ngân hàng trong 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, thực hiện Nghị định 31 về gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước (với 40.000 tỷ đồng) được áp dụng từ năm 2022 chưa đạt được như kỳ vọng.

Lý do gói hỗ trợ lãi suất 2% 'ế chỏng chơ' ảnh 1

Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm có nguy cơ "ế" 37.430 tỷ đồng (ảnh: Như Ý).

Tính đến cuối tháng 2 năm nay, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt gần hơn 250 tỷ đồng cho hơn 1.780 khách hàng.

Theo NHNN, nguyên nhân chính khiến khách hàng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tâm lý e ngại bị thanh tra, kiểm tra sau này của các cơ quan chức năng. Thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, song lại hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi.

Bên cạnh đó, tiêu chí đánh giá để hỗ trợ lãi suất là khách hàng phải "có khả năng phục hồi".

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, nên việc đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng là rất khó khăn.

Do đó, cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá "trục lợi chính sách".

Các ngân hàng thương mại dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất từ đầu chương trình đến hết năm 2023 đạt khoảng 2.570 tỷ đồng.

Trong đó, số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2022 là khoảng 135 tỷ đồng. Dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất năm nay khoảng hơn 2.430 tỷ đồng. Như vậy, số dự kiến không sử dụng hết của chương trình này là 37.430 tỷ đồng.

Sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan, NHNN đã trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chấp thuận việc dừng sửa đổi Nghị định 31.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc điều chuyển nguồn lực cho các chính sách khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện (nếu có) theo quy định.

NHNN cũng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả triển khai chương trình này để có cơ sở xây dựng phương án đề xuất (cấp có thẩm quyền) điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa.

Trước đó, tại dự thảo tờ trình Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, về việc nghiên cứu điều chuyển nguồn lực từ gói hỗ trợ 2% lãi suất sang chính sách khác thuộc chương trình phục hồi khó khả thi. Lý do, nguồn lực còn lại của gói hỗ trợ lãi suất rất lớn, trong khi chương trình chỉ còn 7 tháng thực hiện, việc chuyển nguồn không đủ thời gian để đánh giá hiệu quả, tác động.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo NHNN phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chính sách với quyết tâm cao nhất; đồng thời, khuyến khích các ngân hàng thương mại dành nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.

Kết thúc năm 2023, với số vốn không giải ngân hết của chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực (dự kiến 37.430 tỷ đồng), đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng với số vốn này.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.