Vì sao gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được 32 tỷ đồng?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hết quý III/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt trên 20.000 tỷ đồng. Dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 17.000 tỷ đồng với khoảng 900 khách hàng. Số tiền đã hỗ trợ khách hàng khi tới kỳ thu lãi là hơn 32 tỷ đồng.

Bộ KH&ĐT vừa có báo cáo tình hình triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Nghị định số 80/2021/NĐ-CP năm 2022.

Về tiếp cận tín dụng (qua các tổ chức tín dụng), tạm tính đến cuối tháng 9/2022, dư nợ đối với DNNVV đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 9,56% so với cuối năm 2021, chiếm 20,25% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Vì sao gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được 32 tỷ đồng? ảnh 1

Đến cuối tháng 9/2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng

Tuy nhiên, việc cung ứng vốn tín dụng cho DNNVV thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Lý do, kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, khả năng trả nợ của DNNVV.

Một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ chính bản thân DNNVV như quy mô vốn nhỏ, thiếu phương án kinh doanh khả thi, phương án kinh doanh thường xuyên thay đổi, đặc biệt là vấn đề không đủ tài sản bảo đảm cho khoản vay. Các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ phát triển DNNVV chưa đạt được như kỳ vọng, xuất phát từ quy định hoạt động của các quỹ. Bộ KH&ĐT cho rằng, những vấn đề này cần có các giải pháp đồng bộ từ phía các Bộ ngành chức năng, chính quyền địa phương và bản thân các doanh nghiệp.

Về chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19 (2% lãi suất), hết quý III/2022, ước tính doanh số hỗ trợ lãi suất đạt trên 20.000 tỷ đồng. Dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 17.000 tỷ đồng với khoảng 900 khách hàng. Số tiền đã hỗ trợ khách hàng khi tới kỳ thu lãi đạt hơn 32 tỷ đồng.

Như vậy, gói hỗ trợ 2% lãi suất vẫn rất khó tiếp cận. Gói hỗ trợ này có quy mô 40.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023. Các ngân hàng ước tính sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện. Sang năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

Với việc tiếp cận tín dụng qua Quỹ Phát triển DNNVV (vốn điều lệ 837,25 tỷ), hết tháng 9/2022, tổng số vốn quỹ chấp thuận cho vay là 233,53 tỷ đồng. Tổng vốn đã giải ngân cho DNNVV theo tiến độ của dự án vay vốn đạt khoảng 177,68 đồng.

Theo Bộ KH&ĐT, toàn bộ DNNVV được vay vốn từ quỹ đã triển khai hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh đúng mục đích, số tiền gốc cho vay quỹ đã thu hồi đạt 97,47 tỷ đồng, số tiền lãi thu đạt 18,7 tỷ đồng, dư nợ còn 80,21 tỷ đồng. Hiện, quỹ đang xem xét, đánh giá hồ sơ các DNNVV với tổng số vốn đề nghị vay là 429,24 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng thẳng thắn chỉ ra, hoạt động của quỹ còn rất hạn chế, chưa trở thành kênh huy động vốn “giá rẻ” cho các DNNVV, nhất là trong bối cảnh doanh chịu tác động của COVID-19 hơn 2 năm qua.

Về hoạt động của các Quỹ bảo lãnh tín dụng, lũy kế từ năm 2002 đến 31/12/2021, doanh số bảo lãnh ước đạt 4.768,31 tỷ đồng, với trên 2.450 DNNVV được bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Tính đến 31/12/2021, tổng nguồn vốn điều lệ do ngân sách địa phương cấp cho hoạt động bảo lãnh tín dụng 1.586 tỷ đồng. Số địa phương đạt mức vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng còn hạn chế (8/27 địa phương), còn lại chủ yếu các địa phương có mức vốn điều lệ tối thiểu dưới 100 tỷ đồng

Theo số liệu thống kê, DNNVV hiện chiếm 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.