Lý do dự án 306 tỷ đồng đào tạo nghề cho dân tái định cư sân bay Long Thành bị 'treo'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Người dân trong vùng dự án đã về nơi ở mới tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, tuy nhiên đề án hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân trong vùng dự án với ngân sách 306 tỷ đồng vẫn chưa được triển khai.

Hơn 2 năm triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), người dân trong vùng dự án đã về nơi ở mới tại khu tái định cư Lộc An- Bình Sơn. Tuy nhiên, đề án hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân trong vùng dự án với ngân sách 306 tỷ đồng vẫn chưa được triển khai.

Lý do dự án 306 tỷ đồng đào tạo nghề cho dân tái định cư sân bay Long Thành bị 'treo' ảnh 1

Người dân đã xây dựng nhà ở ổn định tại khu tái định cư, nhưng đề án đào tạo việc làm chưa triển khai được

Giải thích về việc chưa triển khai được gói hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân khu tái định cư, lãnh đạo Sở LĐTB&XH Đồng Nai cho biết, sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ phê duyệt dự án, ngành LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai phối hợp với địa phương tiến hành phát phiếu điều tra và khảo sát, đồng thời tổ chức các phiên giao dịch việc làm ở ngay nơi ở của người dân. Tuy nhiên, nhu cầu thực sự đăng ký đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm của người dân rất thấp.

Cụ thể, năm 2020 có 121 người dân trong vùng dự án đăng ký học lái xe B2, giá học phí thời điểm này từ 11 đến 15 triệu đồng/khóa học, nhưng trong Đề án thực hiện theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định hỗ trợ 03 triệu đồng/khóa, do vậy số tiền người dân bỏ thêm nhiều quá khiến người dân không còn mặn mà để đăng ký học nghề này.

Ngoài ra, người đang có công việc hưởng lương thì không phải là đối tượng thụ hưởng của đề án, mà chỉ hỗ trợ cho người lao động bị mất đất canh tác. Cơ quan kiểm toán cũng lưu ý việc thực hiện đề án này không được hỗ trợ 2 lần trong gói đền bù giá đất cho người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên khi thực hiện Sở phải rà soát kỹ đối tượng thụ hưởng, dẫn đến mất rất nhiều thời gian, khó giải ngân.

Đại diện ngành lao động cũng cho biết để đào tạo lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sân bay Long Thành trong tương lai, tỉnh Đồng Nai cũng có văn bản đề nghị Cục Hàng không Việt Nam lên danh sách số lượng lao động tương ứng các công việc khi sân bay đi vào hoạt động nhằm có định hướng cho con em trong vùng dự án học nghề phù hợp.

Tuy nhiên, khi đi vào thực tế thì gặp nhiều khó khăn, phía Cục Hàng không không nói rõ đầu ra những việc này cụ thể. Thực tế để làm việc trong lĩnh vực hàng không, một học sinh học nghề, hay là học đại học trở lên khi vào sân bay làm việc thì phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, điều này vượt ngoài phạm vi đề án.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cũng phê bình lãnh đạo Sở LĐTB-XH đã không chủ động phối hợp địa phương, không xuống đến tận xã, huyện để phát phiếu điều tra, nắm bắt nhu cầu việc làm của người dân mà cứ bắt địa phương gửi báo cáo về Sở. Ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng nhu cầu đào tạo nghề rất lớn, đặc biệt đối tượng 50-60 tuổi thì phải đào tạo việc làm gì ? Theo ông Đức điều này cần có giải pháp phù hợp, có thể đào tạo nấu ăn, làm cây kiểng… có rất nhiều ngành nghề đào tạo cho nhiều độ tuổi. Ở đây, công tác phối hợp chưa tốt nên đến giờ này 306 tỷ đồng cứ treo. "Tiền thì có, nhu cầu có, mà làm không được. Trong lúc đó, người dân cho rằng nhà nước không quan tâm công tác chuyển đổi nghề"- ông Đức nói.

Theo Sở LĐTB-XH Đồng Nai, nhằm tạo việc làm ở khu tái định cư cho người dân có nhu cầu trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp UBND huyện Long Thành, doanh nghiệp tuyển dụng lao động lớn trong tỉnh để tổ chức sàn giao dịch việc làm tại địa phương, cũng như kết hợp đào tạo nghề lồng ghép vào các chương trình khác trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, do khu tái định cư của dự án sân bay Long Thành nằm đối diện khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, gần các khu đô thị lớn nên vai trò định hướng giải quyết việc làm rất thuận lợi, vì người dân rất nhiều cơ hội xin việc, tìm việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống, việc học nghề được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc và tự đào tạo kỹ năng theo vị trí việc làm, không cần thực hiện theo chính sách của Đề án.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐTB-XH Đồng Nai cho biết: “Hiện nay, Sở đang tập hợp ý kiến của các ngành để báo cáo với UBND tỉnh về hướng thực hiện đề án đào tạo hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân trong vùng dự án sân bay Long Thành cho phù hợp”.

MỚI - NÓNG