Sông Nhuệ có chiều dài 64 km từ cống Liên Mạc - quận Bắc Từ Liêm đến xã Đông Lỗ - huyện Ứng Hoà, sông Đáy chiều dài gần 100 km từ xã Cẩm Đình - huyện Phúc Thọ đến xã Yến Vĩ - huyện Mỹ Đức. Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tại cầu Mai Lĩnh, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, nơi sông Đáy chảy qua, đứng trên cầu dễ dàng quan sát cảnh tượng ô nhiễm của dòng sông. Nước dưới sông đen ngòm, bốc mùi hôi thối khó chịu; nhiều rác thải bị vứt xuống dòng sông, những bè rau muống xác xơ không còn màu xanh, cá chết nổi lềnh phềnh. Ngay tại chân cầu Mai Lĩnh còn có một số cơ sở chuyên rửa thùng sơn, nhựa đường, dầu thải,... tuồn trực tiếp nước thải hóa chất ra sông.
Ông Hoàng Văn Liên (70 tuổi), phường Đồng Mai, quận Hà Đông cho biết, trước đây người dân sống gần sông Đáy cảm thấy “sướng” vì nước sông lúc nào cũng trong veo. Giờ đây người dân lại “khổ” vì chính con sông này. Quanh năm, suốt tháng nước sông lúc nào cũng trong tình trạng đen ngòm, mùi tanh bốc lên sặc sụa. Không những thế, nước sông Đáy còn theo các con mương nhỏ vào đồng ruộng khiến lúa chết hoặc nếu có bông thì năng suất rất thấp.
Nhà cách sông Đáy khoảng 500m, ông Lê Xuân Tuyền cũng ở phường Đồng Mai nói: “Khổ nhất là người dân chúng tôi. Nước sông mùi cực kỳ khó chịu, lúc nào cũng hôi thối, cửa nhà luôn phải đóng kín, thậm chí có những lúc không dám ra đường vì không chịu được. Các cơ sở chuyên rửa thùng sơn, nhựa đường, dầu thải,... tất cả tuồn trực tiếp ra sông. Dân chúng tôi bức xúc lắm, chúng tôi đã kiến nghị rồi nhưng cũng thế thôi. Chúng tôi biết kêu ai?” .
Tương tự, đoạn sông Nhuệ chạy từ Nam Từ Liêm đến cầu Trắng quận Hà Đông nước đen như dầu luyn, đặc quánh, rác thải vứt bừa bãi dọc 2 bờ sông, nhiều khúc sông bị tắc nghẽn. Bà Lê Thị Xuân, phường Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội cho biết, đoạn chảy qua khu vực cầu Đôi thuộc quận Nam Từ Liêm ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.
Cần sớm có cơ chế đặc thù
Theo Sở TNMT Hà Nội, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư các dự án, các dịch vụ môi trường còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hầu hết các dự án vẫn sử dụng ngân sách nhà nước nên việc triển khai các dự án còn chậm. Trước thực trạng này, Sở TNMT Hà Nội đề nghị thành phố sớm có phương án bố trí đủ nguồn vốn để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư xử lý nước thải tập trung. Trong đó, trọng tâm vào việc đầu tư các hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị, tiêu thoát nước, bao gồm 12 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất dự kiến đến năm 2020 là 780.000 m3/ngày đêm và tổng công suất dự kiến đến năm 2030 là 1.040.000 m3/ngày đêm và các dự án xử lý nước thải làng nghề. “Trên cơ sở thực hiện xã hội hóa trong công tác xử lý ô nhiễm, cần có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; xem xét sớm giao đất cho các đơn vị có năng lực thực hiện đầu tư theo hình thức BT”, đại diện Sở TNMT Hà Nội nói.
Cty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền phối hợp thực hiện chuyên mục này.