Lưu học sinh phản hồi về mức sinh hoạt phí

Lưu học sinh phản hồi về mức sinh hoạt phí
TPO - Phản đối ý kiến của một số lưu học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài theo đề án 322 về việc sinh hoạt phí thấp, bạn Trần Thanh- người đang học tại Úc cho rằng, mức hiện nay là "đủ sống".
Lưu học sinh phản hồi về mức sinh hoạt phí ảnh 1
Sinh viên Việt Nam tại Đức. Ảnh minh họa: Huy Vũ (từ CHLB Đức).

Qua báo Tiền phong, một số lưu học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài theo đề án 322 phản ánh tình trạng khốn khổ do đồng đôla Mỹ mất giá, dẫn đến tình trạng sinh hoạt phí của họ đã thấp, càng thêm thấp.

Tuy nhiên, bạn Trần Thanh, một lưu học sinh đang học tại Úc lại không đồng tình với những quan điểm trên.

Để đảm bảo tính khách quan và rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng ý kiến mà bạn Trần Thanh đã gửi cho tòa soạn về vấn đề này.

"Tôi sang Úc học đã gần 2 năm, theo diện du học tự túc. Tôi phải tự thuê nhà và tự chịu kinh phí ăn ở đi lại... Tôi ở tại Sydney, nơi đắt đỏ nhất nước Úc. Trường tôi học lại xa nơi ở 20km nên tôi phải đi bằng tàu điện... Nói chung, tôi phải chịu mức sinh hoạt phí từ A - Z với mức giá cao.

Mức 1.200AUD/tháng mà chính phủ Úc khuyến nghị, thường chỉ áp dụng cho các sinh viên hay ăn ngoài quán và cafe, thậm chí hàng tuần đủ để đi bar. Nhưng thực tế, ngay cả sinh viên đến từ châu Âu hoặc Bắc Mỹ khi sang đây học, cũng đều tự nấu ăn chứ không ăn cơm ngoài quán. Tôi có nhiều người bạn quốc tế như vậy.

Nếu có 1.200AUD, tôi có thể lo ăn ở cho cả 2 du học sinh hàng tháng. Riêng đối với tôi, tiền thuê nhà 90AUD/tuần, tiền mua thức ăn cho cả tuần với đầy đủ trái cây, sữa, bánh mì... là 45AUD. Tiền điện tôi phải trả 20 - 25AUD/tháng. Tiền nước được tính vào tiền nhà. Internet thì 4 người "xài xả láng", mỗi tháng thêm 15AUD. Vị chi hàng tháng tôi chỉ tốn dưới 650AUD cho tất cả tiền ăn ở và sinh hoạt tối thiểu.

Đó là tôi ở thuê bên ngoài và nấu ăn riêng, nếu ở trong ký túc xá hoặc nấu ăn chung thì giá sẽ càng rẻ. Nếu hai người nấu ăn chung, hai người chỉ tốn 60AUD cho 1 tuần đi chợ.

Thời gian sống chung với bạn, chia sẻ tiền phòng và tiền ăn, mỗi tháng tôi chỉ tốn dưới 600AUD cho tất cả việc ăn ở.

Nếu bạn đưa giá một bữa ăn ngoài quán để kêu ca cho việc "chỉ đủ cho bữa tối" thì bạn có thể được so sánh với các du học sinh các nước Ả Rập (chứ đừng nói đến Ấn Độ hay châu Âu), vì chỉ có du học sinh các nước này mới khỏi phải tự nấu ăn.

Tất cả chi phí trên đây tôi đều tính đến mức tối thiểu, đủ để tôi học hành trong khi vẫn béo tốt bình thường. Còn việc mua sách vở bên này thì đúng là... mơ mộng. Bạn không có sách học chỉ vì bạn... lười vào thư viện học bài. Tất cả các loại sách đều có sẵn, và mọi thư viện các trường đại học đều mở cửa đến 9 giờ tối.

Bạn cũng có thể mượn sách về nhà đến cả tháng và mượn lại thêm những 2 tuần lễ sau đó... Chính vì thế, kể cả sinh viên các nước giàu cũng không nghĩ đến việc mua sách để dùng.

Nói chung, nếu nghĩ đến việc lo cho "đủ" hoặc so sánh để "bằng anh bằng em" thì chẳng biết đến thế nào là vừa, rồi bạn cũng sẽ tiếp tục kêu ca cho đến khi đạt con số 1200AUD hoặc hơn mà thôi.

Đất nước còn nghèo, các bạn là người đang hưởng thuế của nhân dân ta đóng góp. Hãy nghĩ đến những nạn nhân của những cơn bão, những đứa trẻ thơ không cha mẹ đang cần xã hội chăm sóc hoặc những thầy cô giáo đang ở các "túp lều công vụ" miền núi, vùng sâu...mà bấy lâu nay vì nghèo (chính xác là nghèo) mà chúng ta chưa chăm sóc họ đầy đủ.

Tôi viết có bằng chứng về những gì tôi đang trải nghiệm, và cũng từ kinh nghiệm của các bạn tôi - những người đang cố xoay sở tự lo cho mình hơn là những bạn suốt ngày chỉ biết kêu cứu, ỷ lại và tự vẽ ra những hình ảnh bi thương".

Trần Thanh
Du học sinh Việt Nam tại Australia

Ý kiến của bạn về vấn đề này?

MỚI - NÓNG