Mô hình vườn ươm giống cây hồng Việt Cường, giống cây đặc sản quý của Thái Nguyên tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên |
Việt Nam được đánh giá là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học nhất thế giới. Năm 2015, với mục tiêu lưu giữ, bảo tồn và khai thác các nguồn gene trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đại diện Bộ KH&CN, đơn vị chủ trì Chương trình, cho biết, tính đến năm 2023, thông qua các nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, tổng số nguồn gen được thu thập và lưu giữ được là 80.911. Một số cơ sở khoa học tiên phong trong bảo tồn gen bao gồm Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), nơi đã điều tra thu thập được trên 10.000 nguồn gen thuộc các nhóm cây trồng.
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và các trường đại học có khoa lâm nghiệp thời gian qua đã thu thập, bảo tồn gần 2.000 nguồn gen thuộc 70 loài cây lâm nghiệp, trong đó có nguồn gen của nhiều loài quý hiếm, được trồng ở một số nơi địa phương như Sơn La, Lào Cai, Ba Vì, Phú Thọ, Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Thuận. Ngoài ra, khoảng 7000 nguồn gen có giá trị làm thuốc đã được phát hiện và thu thập, bảo tồn, cho thấy nguồn dược liệu phong phú ở Việt Nam.
Từ các nguồn gen thu thập được, đến nay đã thực hiện đánh giá ban đầu trên 55.800 nguồn gen, đánh giá chi tiết khoảng 14.100 nguồn. Từ quá trình bảo tồn và lưu giữ gen, nhiều gen quý hiếm đã được khai thác, sử dụng hiệu quả mang lại giá trị kinh tế trên nhiều lĩnh vực như lâm nghiệp, dược liệu, vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật với khoảng 300 nguồn gen động, thực vật, trên 700 nguồn gen vi sinh vật, trong đó làm chủ được 178 quy trình công nghệ, triển khai 129 mô hình thử nghiệm ứng dụng kỹ thuật và nhân rộng kết quả trong thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội tại nơi triển khai.
Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 không chỉ có sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, viện nghiên cứu mà còn có sự vào cuộc của địa phương như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ…
Tại Quảng Ninh, ngọc trai Hạ Long đã trở thành sản phẩm OCOP 5 sao, xuất khẩu sang Anh, Ấn Độ, Nhật Bản đạt 6-8 tỷ đồng/năm, về trà hoa vàng Quy Hoa, đang đàm phán để doanh nghiệp Hàn Quốc phân phối toàn cầu, hồi Bình Liêu được xuất khẩu đạt trên 50 tỷ đồng/năm.