Năm 1986, một lò phản ứng hạt nhân đã phát nổ tại nhà máy điện ở Chernobyl (Ukraine), cách Kiev khoảng 80 dặm về phía bắc. Vụ nổ giải phóng lượng phóng xạ cao gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) thời Thế chiến II, và khiến hơn 100.000 người phải sơ tán khỏi thành phố.
Ba thập kỷ sau vụ tai nạn, Chernobyl vẫn bị bỏ hoang và là nơi sinh sống của nhiều động vật hoang dã. Khu vực cách ly Chernobyl được coi là không an toàn cho con người. Nhưng mật độ quần thể sói ở đây ước tính cao hơn bảy lần so với khu vực xung quanh.
Các nhà khoa học từ Đại học Princeton đã đeo vòng cổ vô tuyến cho những con sói đi lang thang trên vùng đất bỏ hoang trong khu vực để theo dõi chuyển động của chúng và thực hiện các phép đo theo thời gian thực về lượng bức xạ mà chúng tiếp xúc. Họ cũng lấy mẫu máu để xem cơ thể sói phản ứng thế nào với bức xạ gây ung thư.
Kết quả cho thấy sói hoang ở Chernobyl tiếp xúc với hơn 11 milirem bức xạ gây ung thư hằng ngày trong suốt cuộc đời của chúng. Để so sánh, việc chụp X-quang ngực tiêu chuẩn sẽ khiến toàn bộ cơ thể tiếp xúc với khoảng 1 đến 2 millirem bức xạ.
Theo các nhà khoa học, lý do khiến quần thể sói phát triển mạnh trong khu vực ảnh hưởng phóng xạ một phần là do gien của chúng có khả năng đối phó với nguy cơ mắc bệnh ngày càng tăng, và hệ thống miễn dịch của chúng trở nên giống với hệ thống miễn dịch của bệnh nhân ung thư đang trải qua xạ trị.
Các nhà khoa học cho biết cơ thể chó và sói chống lại ung thư theo cách tương tự như cơ thể con người. Họ cho biết thêm nghiên cứu này có thể xác định các đột biến giúp làm tăng cơ hội sống sót cho con người trước căn bệnh ung thư.