Xe khách – môi trường “siêu lây nhiễm”
Ngày 4/7, cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang vừa bắt giữ S.M.Q. (29 tuổi, quê huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang). Q là công nhân xây dựng tại KCN Quang Châu (Bắc Giang), có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 ngày 29/6. Ngày 3/7, Q. được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Quân y 110, cơ sở 2, xã Dĩnh Trì, TP. Bắc Giang. Đến 2h40 sáng 4/7, Q trèo tường rào phía sau để trốn khỏi khu điều trị rồi bắt xe khách về bến xe Mỹ Đình - Hà Nội khiến CDC Hà Nội phải cách ly 20 người đi trên xe và uống nước cùng Q. tại bến xe. Sau đó, Q. bắt xe khách đi Hà Giang rồi bị cơ quan công an phát hiện khi xe khách này đang qua địa phận Tuyên Quang. Sau đó, 29 người là lái xe, phụ xe và khách trên chuyến xe này phải cách ly tập trung 21 ngày.
Xe khách Trung Đức làm lây lan dịch COVID-19 đến nhiều tình thành. Ảnh Hoàng Long |
Tuy nhiên, đó chưa phải là chuyến xe ám ảnh nhất. Chiếc xe của nhà xe Trung Đức chạy "chui" 4 chuyến từ Hải Phòng - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại trong tháng 6 đã làm dịch bệnh lân lan cho các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình. Theo Bộ Y tế, chỉ tính riêng tháng 6/2021, các tỉnh thành khác cũng xuất hiện các tỉnh thành như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, Long An … cũng xuất hiện các chuỗi lây nhiễm liên quan đến xe khách.
Phân tích các trường hợp lây nhiễm liên quan đến xe khách cho thấy còn nhiều điều đáng lo ngại. Tại các bến xe, hành khách được khai báo tên tuổi, địa chỉ, đo thân nhiệt, sử dụng khẩu trang, nước sát khuẩn… Tuy nhiên, nhiều F0 vẫn vào được bến, lên xe như trên. Trên đường, mới là điều đáng lo ngại. Khác với hàng không, xe khách thường xuyên bắt khách dọc đường nên việc kiểm soát hành khách trở nên cực kỳ khó khăn. Môi trường xe khách vốn kín, thường bật điều hòa nên hành khách không đeo khẩu trang, vi phạm khoảng cách, nguy cơ lây nhiễm càng cao. Trong khi, việc lực lượng tuần tra phát hiện có vi phạm 5K trên xe là không hiệu quả. Ngoài ra, bên cạnh xe khách còn có cả một hệ thống dịch vụ ăn theo như xe ôm, taxi, hàng quán, người bán hàng rong… khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thực hiện chống COVID-19 theo công thức “5K + vắc xin và công nghệ”. Với xe khách, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 trên xe khách vào cuối tháng 6 vừa qua, đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đề nghị sử dụng camera hành trình giám sát toàn bộ chuyến xe để kiểm soát lái, phụ xe, hành khách trên xe có đeo khẩu trang, ngồi có đảm bảo khoảng cách hay không... Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo công ty Trung Đức có chiếc xe khách lây lan nhiều ca COVID-19 nêu trên cho biết, ông và nhiều nhân viên công ty đang phải cách ly tập trung. “Nếu xe có camera, tôi đã có thể theo dõi được xe có được đưa đi chở khách hay không, nhưng tiếc là tôi đang làm thủ tục chuyển nhượng, chưa lắp đặt” – ông này nói. Mới đây, một doanh nghiệp đã ứng dụng thành công phần mềm tự động phát hiện những người không đeo khẩu trang dựa trên hình ảnh từ camera hành trình. Sau một tháng, doanh nghiệp này cài đặt miễn phí ứng dụng cho 500 xe, lượng hành khách không đeo khẩu trang đã giảm được 3 lần.
Chính sách giật cục, số lượng lắp đặt thấp
Mới đây, Tiền Phong phản ánh, nhiều xe lắp camera đã phát hiện hàng loạt hành khách và lái xe, phụ xe không đeo khẩu trang theo quy định. Ngay sau khi báo đăng tải, Tổng cục Đường bộ ra công văn hỏa tốc yêu cầu xe khách lắp camera hành trình theo lộ trình (hạn cuối là 1/7/2021 theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP về Điều kiện kinh doanh vận tải).
Camera phát hiện nhiều hành khách không đeo khẩu trang trên xe khách. Tác giả: Bảo An |
Tuy nhiên, ngay sau đó, với lý do ngành vận tải thiệt hại nặng nề vì COVID-19, Tổng cục Đường bộ và Bộ GTVT lại đề nghị Chỉnh phủ cho lùi lắp camera giám sát hành trình với xe khách 1 năm, xe container và xe đầu kéo 6 tháng. Trong nhiều công điện về tăng cường biện pháp chống COVID-19 trên xe khách, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ có lúc nhắc đến giải pháp camera, có lúc không. Trong công điện mới đây nhất, Tổng cục trưởng Đường bộ đề nghị các chủ xe đã lắp camera hành trình thì tăng cường sử dụng; các xe chưa lắp thì áp dụng các biện pháp kiểm soát thủ công khác.
Điều này khiến cho các bên liên quan rất khó xử. Đơn cử, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu toàn bộ xe chở công nhân phải lắp camera để giám sát dù chưa đến hạn. Trong khi đó, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bắc Giang dù rất muốn lắp đặt nhưng không thực hiện vì Bộ GTVT đang đề nghị Chính phủ hoãn lắp. Ông Nguyễn Đình Chiến - Thư ký Chi hội Giám sát hành trình, thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện có gần 20 doanh nghiệp cung ứng camera theo Nghị định 10/2020.
“Nhiều doanh nghiệp sản xuất nên giá thành cạnh tranh, chỉ khoảng 4 triệu/chiếc; phí duy trì khoảng 100-120 nghìn/tháng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đi vay để sản xuất, tồn 1.000 cái là tồn 4-5 tỷ đồng, rất tốn kém. Chúng tôi hiểu doanh nghiệp vận tải cũng đang rất khó khăn, nhưng chỉ mong, hoãn hay huỷ, cơ quan chức năng cần thông báo chính xác và thông báo sớm” - ông Chiến nói và cho biết thêm hiện các doanh nghiệp đã cơ bản chuẩn bị đủ sản phẩm để cung ứng. Trong khi, tại cuộc họp hôm 6/7 với các sở GTVT, Tổng cục Đường bộ cho biết, hiện mới có hơn 15.000 xe lắp đặt camera, đạt hơn 7% trong tổng số gần 200.000 xe phải lắp đặt.
Đại diện Uỷ ban ATGT quốc gia cho hay, camera giám sát hành trình giúp doanh nghiệp, cơ quan chức năng giám sát lái xe, phát hiện các trường hợp thất lạc, trộm cắp hành lý trên xe khách. Ngoài ra, camera cũng sẽ giúp phát hiện tình trạng nhồi nhét trên xe khách để phạt nguội. Camera cũng có thể áp dụng để kiểm soát về việc khai báo doanh thu/hành khách/chuyến xe của xe khách, xe hợp đồng – một vấn đề lâu nay chưa có lời giải. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, nếu việc xử lý vi phạm trên xe (như tình trạng nhồi nhét khách) sẽ ngăn chặn được tình trạng mãi lộ.