Lùm xùm trong giáo dục và câu chuyện 'sốc' lại niềm tin

TPO - Trước những vụ lùm xùm về giáo dục gây chấn động thời gian qua, Thầy Lê Đức Vĩnh- Nguyên trưởng Khoa Toán, Học viện Nông nghiệp Hà Nội cho rằng, niềm tin của xã hội đối với ngành Giáo dục bị giảm sút nghiêm trọng. 

PV Tiền Phong đã có cuộc Thầy Lê Đức Vĩnh- Nguyên trưởng Khoa Toán, Học viện Nông nghiệp Hà Nội về những “điểm đen” của giáo dục trong năm qua cũng như làm thế nào để giáo dục lấy lại niềm tin trong xã hội.

Lùm xùm trong giáo dục và câu chuyện 'sốc' lại niềm tin ảnh 1  Ông Lê Đức Vĩnh

Vạch ra gian dối chỉ là nửa vời?

PV: Có ý kiến cho rằng, nhiều vụ lùm xùm trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo thời gian qua đã đánh mất một phần niềm tin trong nhân dân. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình vừa qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và hình như nó đang chìm theo thời gian. Nếu các quan chức giáo dục nước nhà muốn chống gian dối trong thi cử thì họ đã làm từ thời ông Nguyễn Thiện Nhân làm bộ trưởng. 

Năm đầu tiên ông Nguyễn Thiện Nhân nắm quyền bộ trưởng, trong kỳ thi tốt nghiệp nhiều tỉnh chỉ đỗ khoảng 30% tới 40%. Con số này là thực tế nhưng do sức ép của xã hội người ta đã tổ chức thi lại và kỳ thi năm sau đâu lại vào đấy các tỉnh đều đỗ từ 85% trở lên. 

Năm qua, có lẽ phải cảm ơn ông Lương ở Hà Giang vì sự dối trá nên xã hội mới mạnh dạn lật lên một mảng tối của ngành giáo dục. 

Rất tiếc do nhiều lý do nên việc vạch ra sự gian dối trong thi cử dù đã mạnh bạo hơn nhưng cũng chỉ là nửa vời làm yên lòng dư luận hơn là làm trong sạch nền giáo dục. 

PV: Trong nhiều vấn đề yếu kém của giáo dục tồn tại những năm qua, theo ông, những vấn đề nào cần phải giải quyết ngay trong năm tới?

Giáo dục có nhiều vấn đề như: việc điều hành đội ngũ giáo viên, việc tìm ra mô hình giáo dục thích hợp từ bậc phổ thông tới bậc đại học đều bộc lộ những yếu kém. 

Theo tôi, giáo dục phổ thông của ta cũng tạm ổn. Nếu chưa tìm ra cách nào để nó tốt lên thì hãy để nó ổn định trong khâu chương trình. Đừng xới lên việc cải cách giáo dục để làm gì. 

Việc thị trường hoá nền giáo dục đại học đang làm “méo mó” nền giáo dục đại học.

“Phổ cập” hoá thạc sĩ là một mảnh ruộng màu mỡ cho các nhóm lợi ích trong ngành giáo dục thu lời.

Thách thức đầu tiên là lấy lại lòng tin của dân

PV: Vậy theo ông, việc đổi mới sách giáo khoa vào năm sau có khả thi và thay đổi nền giáo dục nước nhà không, thưa ông?

Theo tôi, việc đổi mới sách giáo khoa ở cả ba bậc học phổ thông là một việc làm nóng vội.

Hiện nay, các thầy cô dạy phổ thông trung học có khả năng dạy được cả ba môn lý, hoá và sinh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chưa có đội ngũ giáo viên trong tay mà đã thay đổi sách giáo khoa là sự mạo hiểm.

Tôi thấy ở một số nước ngoài toán và ngữ văn học sinh trung học theo ban tự nhiên không nhất thiết phải học cả lý, hoá sinh và người ta cũng không ghép ba môn này vào một môn chung. 

Nếu thực hiện chương trình này cần để các trường đại học sư phạm đi trước đào tạo giáo viên dạy tích hợp để 5 năm sau có lượng giáo viên dạy môn này. 

PV: Đánh giá về cơ hội cũng như thách thức của giáo dục trong năm học 2018-2019, sẽ là gì, thưa ông?

Theo tôi thì trong năm tới nền giáo dục nước nhà có nhiều thách thức cần phải tìm cách vượt qua.

Thách thức đầu tiên là lấy lại lòng tin trong dân đối với nền giáo dục nước nhà. Việc làm này không dễ bởi lòng tin có được phải từ những việc làm cụ thể chứ không phải từ những lời nói suông.

Những gian dối trong khâu chấm thi mà điển hình là tại Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình cần phải được đưa ra một cách trung thực. Những quan chức nào cấp sở cấp tỉnh, cấp bộ phải chịu trách nhiệm thì trách nhiệm thế nào. Có vậy mới lấy lại lòng tin của dân với ngành giáo dục. 

Thách thức thứ hai, đó là cần chú trọng việc xây dựng trường lớp kiên cố ở các vùng sâu vùng xa, ở các đô thị cần có biện pháp giảm sĩ số xuống dưới 45 học sinh/lớp. Nhiều trường kể cả trường trọng điểm quốc gia mà 60 học sinh/lớp thì trọng điểm kiểu gì. Mỗi lớp học sinh đông như vậy làm sao nâng cao chất lượng giáo dục. 

Thách thức thứ ba, đó là, cần ổn định việc thi cử bởi thi cử là một khâu quan trọng đánh giá chất lượng giáo dục. 

Thách thức thứ tư, đó là, làm thế nào để các thầy các cô yên tâm với nghề giáo. Tăng lương là cần thiết nhưng chưa đủ để nghề giáo là nghề đặc biệt, cần được xã hội tôn trọng.

Để lấy lại lòng tin với giáo dục, theo tôi, trước hết nền giáo dục cần minh bạch trong hoạch định chính sách, minh bạch trong tuyển chọn lãnh đạo, minh bạch trong tuyển chọn giáo viên, minh bạch trong thi cử mà trước hết cần ổn định chương trình cũng như ổn định việc thi cử.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG