'Gian dối' hồ sơ phong tặng GS,PG: Xử lý thế nào?

Rà soát lại 95 hồ sơ ứng viên GS,PGS năm 2017 cho thấy nhiều hồ sơ có dấu hiệu 'gian dối'.
Rà soát lại 95 hồ sơ ứng viên GS,PGS năm 2017 cho thấy nhiều hồ sơ có dấu hiệu 'gian dối'.
TPO - Rà soát lại 95 hồ sơ ứng viên GS, PGS năm 2017 cho thấy nhiều hồ sơ có dấu hiệu 'gian dối', câu hỏi đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm và sẽ xử lý sự gian dối này như thế nào?

Lật tẩy hồ sơ ''gian dối''

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã thành lập đoàn thanh tra rà soát 95 hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư có dấu hiệu chưa đạt tiêu chuẩn, hoặc có đơn thư khiếu nại.

Kết quả thanh tra cho thấy có sự 'gian dối' trong hồ sơ của một số ứng viên, dù tiêu chuẩn "trung thực, khách quan" được xếp vị trí thứ hai trong bộ tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư, theo Quyết định 174.

Qua đó, đã xác định có 41 ứng viên GS, PGS không đủ tiêu chuẩn công nhận, có nhiều ứng viên trong hồ sơ thiếu hợp đồng, thiếu thanh lý hợp đồng, thậm chí hợp đồng môn này nhưng lại thanh lý môn khác…

Hay theo quy định, GS, PGS phải tính bằng giờ giảng đối với trình độ ĐH trở lên, có ứng viên chỉ dạy chương trình bồi dưỡng, hay cao đẳng, nhưng vẫn kê khai vào hồ sơ; giáo trình chưa được hiệu trưởng ký nhận đưa vào sử dụng vẫn khai để được tính điểm cộng…

Đặc biệt, một số ứng viên còn dựng lại hợp đồng giảng dạy từ năm 2012 - 2013 - 2014 để tính vào thời điểm cuối năm 2017, nhằm “qua mặt” các thành viên của hội đồng xét duyệt.

Trả lời trên báo Lao động, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cho rằng, nhiều lí do được đưa ra lí giải cho việc hồ sơ 41 ứng viên GS, PGS năm 2017 bị rà soát là không đạt chuẩn như minh chứng không xác thực, hồ sơ chưa chuẩn xác..., xét sâu xa ở đây có là hành vi gian lận hồ sơ, vi phạm nghiêm trọng về đạo đức trong làm nghiên cứu khoa học.

"Một Giáo sư rởm sẽ đào tạo ra Tiến sĩ rởm và những người này tiếp tục sẽ đào tạo ra sinh viên rởm. Vì thế, phải xử lý nghiêm túc, công khai, minh bạch. Vì đó là những hành vi làm suy giảm lòng tin về giáo dục, nếu còn thiếu trung thực thì chưa biết bao giờ giáo dục mới có thể cất cánh được?", TS Hoàng Ngọc Vinh. 

Giải thích rõ hơn về nhận định, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, trong số 41 ứng viên không được công nhận, chỉ có một số ít những người tự rút trước, còn đa phần là không đủ điều kiện. Từ khi công bố 94 người bị rà soát, công luận đã đặt vấn đề tại sao lại là con số 94? Số 94 người để lại rà soát lần 2 này là do phát hiện ngẫu nhiên hay do có kiện cáo, đơn từ?

Ở một góc độ khác, các ứng viên bị loại hầu hết do hồ sơ chưa chuẩn xác hay không xác thực, thậm chí một số không có hợp đồng hoặc không có thanh lí hợp đồng, có trường hợp dựng lại hợp đồng giảng dạy từ những năm trước. Việc này thực chất là gian lận hồ sơ, vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, đặc biệt là đạo đức trong làm nghiên cứu khoa học, là không thể chấp nhận được.

Xử lý thế nào?

GS.TS Bùi Văn Ga, Phó chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nhận định, việc để lọt hồ sơ không đạt chuẩn lên cấp nhà nước, có trách nhiệm của Hội đồng cấp cơ sở, lãnh đạo cơ sở giáo dục đã xác nhận hồ sơ, đặc biệt là người nộp hồ sơ. "Một số nơi xuê xoa trong việc ký xác nhận giờ giảng dù ứng viên không có đủ các minh chứng cần thiết", ông Ga nói. 

GS. Bùi Văn Ga cũng nhận định ứng viên phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Sau đó là đến trách nhiệm của hội đồng cơ sở vì là nơi biết rõ ứng viên nhất. Còn hội đồng ngành hay hội đồng nhà nước chỉ thẩm định năng lực khoa học của các ứng viên. 

Trả lời báo chí, TS Lê Viết Khuyến (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học) cũng cho rằng đối với những hồ sơ không đạt chuẩn sau đợt rà soát, lỗi trước tiên thuộc về ứng viên đã không trung thực, chưa kiểm tra kỹ tính xác thực trong hồ sơ của mình. Tiếp đó là trách nhiệm của hội đồng 3 cấp đã thẩm tra hồ sơ không kỹ, chứ không thể vô can.

Tuy nhiên, khi “việc đã vỡ lở” việc quy trách nhiệm cho ai rất khó, bởi “người ta có nhiều lý do để trốn tránh trách nhiệm, hoặc đổ lỗi cho nhau". Vấn đề là Thanh tra có quyết tâm truy đến cùng hay không? Có quyết tâm lấy lại uy tín, danh dự cho các nhà khoa học chân chính hay không?

Tại cuộc họp với Chính phủ ngày 2/4, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã tuyên bố "sẽ tiếp tục xử lý các cơ sở giáo dục công nhận số giờ giảng cho các ứng viên không chính xác và công bố cho công luận".

Còn theo TS Hoàng Ngọc Vinh,  nếu làm sai, các ứng viên phải chịu kỉ luật vì đã làm tốn kém tiền của xã hội trong công tác thanh tra, kiểm tra và làm mất uy tín của ngành. Các cơ quan có ứng viên làm sai cần phải thành lập hội đồng kỉ luật cả về hành chính và xử lý về mặt Đảng trong vấn đề khai báo chưa trung thực trong hồ sơ. Đối với những người có chức danh, lãnh đạo cố ý xác nhận thiếu trung thực... thì phải hạ bậc, không tiếp tục cho làm hồ sơ công nhận GS hay PGS vì dối trá trong khoa học và giáo dục là việc gây ra hệ lụy khôn lường.

MỚI - NÓNG