Hàng loạt quan chức 'trượt' GS, PGS: Trách nhiệm thuộc về ai?

Dư luận đòi hỏi việc xét phong GS, PGS cần chặt chẽ và tiệm cận với các tiêu chuẩn của quốc tế. Ảnh minh họa: VietnamNet.
Dư luận đòi hỏi việc xét phong GS, PGS cần chặt chẽ và tiệm cận với các tiêu chuẩn của quốc tế. Ảnh minh họa: VietnamNet.
TP - Hôm qua, 3/4, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã công bố danh sách 53 người trong tổng số 95 ứng viên rà soát lại đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư 2017. Trong số 41 ứng viên không được công nhận, phần lớn rơi vào ngành y học,  hóa học, sinh học... Đáng chú ý, trong số này có nhiều người là quan chức.

Theo đó, 11 ứng viên giáo sư rà soát lại có 2 ứng viên giáo sư không đủ tiêu chuẩn, 83 ứng viên phó giáo sư rà soát lại có 39 ứng viên không đủ tiêu chuẩn.

Trong danh sách 23 ứng viên giáo sư, phó giáo sư của ngành y học rà soát lại thì có 7 ứng viên không được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Trong đó có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến,  thư ký Bộ trưởng Bộ Y tế Hà Anh Đức, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Thị Kiều Anh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trịnh Thanh Hùng...

Ngành sinh học có 7 ứng viên phó giáo sư và 1 ứng viên giáo sư rà soát lại thì có tới 6 ứng viên phó giáo sư không đủ tiêu chuẩn công nhận. Ngành Hóa học – Công nghệ thực phẩm  có 6 ứng viên phó giáo sư và 1 ứng viên giáo sư rà soát thì có 1 ứng viên giáo sư và 3 ứng viên phó giáo sư  không đạt.

Đối với các ngành khác, như thủy lợi, có 3 ứng viên phó giáo sư rà soát lại thì cả ba đều không đủ tiêu chuẩn công nhận, trong đó có 1 ứng viên là Giám đốc trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), ông  Lương Văn Anh.  Ngành giáo dục học có 5 ứng viên phó giáo sư rà soát lại thì có 1  ứng viên không đủ tiêu chuẩn là Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ.

Trả lời PV Tiền Phong về quá trình thẩm tra lại hồ sơ của các ứng viên, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết: Trong số 41 ứng viên giáo sư, phó giáo sư  không đủ tiêu chuẩn công nhận, có  nhiều ứng viên trong hồ sơ thiếu hợp đồng, thiếu thanh lí hợp đồng, thậm chí hợp đồng môn này nhưng lại thanh lí môn khác… Đặc biệt, một số ứng viên dựng lại hợp đồng giảng dạy từ năm 2012 – 2013 – 2014 để tính vào thời điểm cuối năm 2017. Như vậy là không chấp nhận được.

Cũng có ứng viên kê khai có giáo trình trong hồ sơ và được tính điểm, tuy nhiên khi xác minh giáo trình này lại chưa được hiệu trưởng chọn.

Đặc biệt, nhiều trường hợp ứng viên vi phạm quy định về thâm niên như GS, PGS phải tính bằng giờ giảng đối với trình độ ĐH, tức là phải dạy các lớp ĐH, thạc sĩ hoặc tiến sĩ nhưng lại kê khai dạy chương trình bồi dưỡng thì giờ giảng đó là không đúng quy định của pháp luật. Thậm chí, có những ứng viên giáo sư kê khai giờ giảng CĐ. Tuy nhiên, giờ giảng cao đẳng không thể coi là giờ giảng ĐH được vì sai quy định.

Hay có những ứng viên khai dạy 72 tiết cho môn học này nhưng khi kiểm tra chương trình môn học đó thì sinh viên chỉ phải học 2 đơn vị học trình là 30 tiết. Có trường hợp hồ sơ khai đề tài nghiên cứu khoa học nhưng khi kiểm tra hồ sơ thì không có quyết định được giao.

Được biết, trong 28 hội đồng thì hội đồng Sinh học, Y học và Hóa - Công nghệ thực phẩm có nhiều nhất ứng viên không được công nhận sau đợt rà soát này.

Ứng viên và HĐ cơ sở phải chịu trách nhiệm đầu tiên

Theo ông Nguyễn Huy Bằng, sau kết quả rà soát này, Thanh tra Bộ đã kiến nghị Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước có những giải pháp phù hợp, rút kinh nghiệm với các Hội đồng cơ sở, Hội đồng ngành để việc xét công nhận tiêu chuẩn ứng viên GS, PGS chính xác hơn.

Trong khi đó, một chuyên gia cho rằng, việc để lọt hồ sơ của các ứng viên này trách nhiệm không phải chỉ thuộc về một người mà hồ sơ đã “qua tay” rất nhiều người. Chính vì vậy, vấn đề là trách nhiệm của hội đồng ngành, hội đồng cơ sở đến đâu mà thôi.

Trao đổi với PV Tiền Phong, GS Bùi Văn Ga, Phó chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước nói, trước khi đưa ra kết luận, thường trực Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng đã làm việc với chủ tịch hội đồng ngành thông tin kết quả để hội đồng ngành thông báo cho ứng viên. Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng cho biết ứng viên nào thấy mình có chứng cứ mới so với chứng cứ đã báo cáo với thanh tra có thể bổ sung. Tuy nhiên đến ngày 2-4, không có ứng viên nào phản hồi minh chứng mới. Như vậy, 41 ứng viên này chính thức không được công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017.

GS. Bùi Văn Ga cũng khẳng định từ việc rà soát này, thấy có lỗi của một số cơ sở giáo dục trong xác nhận giờ giảng cho ứng viên. Một số nơi xuê xoa trong việc ký xác nhận giờ giảng dù ứng viên không có đủ các minh chứng cần thiết.

Tuy nhiên, GS. Bùi Văn Ga cho rằng ứng viên phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Sau đó là đến trách nhiệm của hội đồng cơ sở vì là nơi biết rõ ứng viên nhất. Còn hội đồng ngành hay hội đồng nhà nước chỉ thẩm định năng lực khoa học của các ứng viên.

Tuy nhiên, thực tế, có nhiều minh chứng có  thể chỉ cần kiểm tra một cách thông thường cũng có thể nhận ra như hồ sơ khai đề tài nghiên cứu khoa học nhưng khi kiểm tra hồ sơ thì không có quyết định được giao, rồi ứng viên kê khai giờ giảng tại trường CĐ, trong khi đó quy định là phải ĐH. Như vậy, có rất nhiều dữ kiện đã bị “lọt” một cách dễ dàng mà không cần đến nghiệp vụ thanh tra mới có thể tìm ra.

GS. Bùi Văn Ga cho rằng ứng viên phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Sau đó là đến trách nhiệm của hội đồng cơ sở vì là nơi biết rõ ứng viên nhất. Còn hội đồng ngành hay hội đồng nhà nước chỉ thẩm định năng lực khoa học của các ứng viên. 

MỚI - NÓNG
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
TPO - Nhằm mang đến cho sinh viên bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội việc làm trong nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tọa đàm “Quản lí tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” vào sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024.