Quan chức có nên làm GS, PGS?

TP - GS Bùi Văn Ga đã có những trao đổi liên quan đến vấn đề có nên công khai hồ sơ khoa học và quan chức có nên làm giáo sư, phó giáo sư?

Ngày 2/4, Bộ GD&ĐT đã công bố danh sách các ứng viên đủ điều kiện công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS,PGS) sau khi rà soát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Có 53 ứng viên đủ tiêu chuẩn và 41 ứng viên không đủ tiêu chuẩn. Trong số những người chưa đủ điều kiện để công nhận, có nhiều người là quan chức.

Năm nay, nếu không có chỉ đạo rà soát lại của Thủ tướng thì 41 ứng viên nghiễm nhiên đủ tiêu chuẩn GS, PGS, ông nghĩ sao về điều này?

Năm nào cũng rà soát những trường hợp nghi ngờ, có đơn thư khiếu nại. Động thái này được làm trước khi HĐCDGSNN họp phiên cuối cùng. Những năm trước có rà soát nhưng không vấp phải vấn đề gì. Năm nay có thể các hội đồng cơ sở chủ quan trong thẩm định lại hồ sơ giảng dạy của ứng viên.  Ví dụ như giảng viên thỉnh giảng dạy kèm với giảng viên cơ hữu. Trong hồ sơ của họ chỉ có tên của giảng viên của trường, không có tên của giảng viên thỉnh giảng. Sơ suất đó khiến các ứng viên không thể xuất được chứng cứ khi yêu cầu.

Quan chức có nên làm GS, PGS? ảnh 1 GS Bùi Văn Ga

Theo quy trình hàng năm, HĐCDGSNN cũng công bố danh sách ứng viên đủ tiêu chuẩn, sau đó sẽ vinh danh. Năm nay không vinh danh, như vậy nếu không có sự vào cuộc của dư luận và sự chỉ đạo của Thủ tướng thì lần đầu tiên công bố các ứng viên đều qua?

Không phải như vậy. Năm nào cũng thế, khi HĐCDGSNN họp xong, công bố danh sách ứng viên vài tuần trên phương tiện thông tin đại chúng. Nếu không có phản ánh nào thì sẽ công nhận. Năm nay có nhiều phản ánh của dư luận còn những năm trước không có.

Từ kết quả rà soát lại của năm nay, HĐCDGS các cấp rút ra được bài học gì, thưa ông?

Thứ nhất là chuẩn bị hồ sơ. Ứng viên phải làm chặt chẽ, nhất là ứng viên thỉnh giảng. Khi tham gia giảng dạy ở đâu phải lưu thông tin thật chi tiết.

Thứ hai, các trường khi xác nhận giờ giảng của giảng viên thỉnh giảng phải yêu cầu giảng viên xuất trình đầy đủ chứng cứ để ký xác nhận. Lâu nay, các trường cũng xuề xòa việc này. Hội đồng cơ sở thẩm định hồ sơ phải chặt chẽ. Những trường hợp nào nghi ngờ thì cần thẩm định lại như tổ thẩm tra của Bộ GD&ĐT làm năm nay.

Thứ ba là cần xác định rõ, xét công nhận  đạt chuẩn GS, PGS là của HĐCDGSNN còn việc bổ nhiệm là của các trường ĐH.

Như vậy những người đang làm quản lý, công chức, viên chức  được công nhận đạt chuẩn chỉ để “bỏ túi”. Còn họ có được bổ nhiệm tại trường ĐH hay không thì phải chờ sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ. 

Dư luận cho rằng, nên công khai hồ sơ khoa học của ứng viên, quan điểm của ông ra sao?

Sắp tới trong quyết định mới thay thế Quyết định 174 hiện hành sẽ yêu cầu công khai hồ sơ của ứng viên 15 ngày để cả xã hội cùng giám sát.

Quy định mới cũng quy định rõ trách nhiệm của từng hội đồng. Nếu xảy ra vấn đề gì, sẽ quy trách nhiệm cho hội đồng cụ thể chịu trách nhiệm.

Theo ông, quan chức có nên làm GS,PGS?

Trong quy định của pháp luật Việt Nam, không có quy định nào cấm quan chức không được làm hồ sơ xét duyệt phong GS, PGS, nên họ hoàn toàn có quyền. Chỉ có điều, việc bổ nhiệm họ phải theo luật viên chức, công chức. Tức là họ phải được một trường ĐH bổ nhiệm thì mới là GS, PGS. Còn nếu chưa được bổ nhiệm họ chỉ đạt chuẩn GS, PGS. Giống như điểm sàn ĐH. Thí sinh đạt điểm sàn nhưng chưa chắc đã là sinh viên vì không đỗ vào trường ĐH nào.  Còn theo nguyện vọng cá nhân thì cũng không nên ngặt nghèo.

Cũng phải nói rõ, từ năm 2008 trở đi, GS, PGS chỉ là một ngạch bậc trong công việc giảng dạy tại các trường ĐH. Khác với trước năm 2008, GS, PGS được nhà nước phong hàm. Vì vậy, quan chức nếu được HĐCDGSNN công nhận chức danh GS, PGS thì họ mới chỉ là đủ tiêu chuẩn. Còn họ có là GS, hay PGS hay không phải có một trường ĐH nào đó bổ nhiệm.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG