Luật Nhà ở cần quy định chặt chẽ về nhà ở công vụ

Khu nhà công vụ tại Hoàng Cầu (Hà Nội), nơi có không ít quan chức về hưu chưa trả lại nhà. Ảnh: Như Ý
Khu nhà công vụ tại Hoàng Cầu (Hà Nội), nơi có không ít quan chức về hưu chưa trả lại nhà. Ảnh: Như Ý
TP - Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chuẩn bị trình kỳ họp Quốc hội thứ bảy tới có quy định rất mới về phát triển nhà ở công vụ.

Dự luật quy định phải trả nhà công vụ khi hết thời hạn sử dụng, nhưng không ít ý kiến băn khoăn phát triển nhà ở công vụ giống như bao cấp về nhà ở, sẽ lại tạo kẽ hở cho lãng phí, tiêu cực.

Nhà công vụ - cấp nào mới được ở?

Quy định tại Dự thảo luật nêu rõ, Nhà nước sẽ đầu tư vốn từ ngân sách để xây dựng quỹ nhà ở công vụ hoặc mua nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ. Quỹ nhà ở công vụ bao gồm nhà ở công vụ của các cơ quan trung ương và nhà ở công vụ của các cơ quan địa phương.

Tuy nhiên, dễ nhận thấy là đối tượng được ở nhà công vụ còn hạn hẹp, chủ yếu bao gồm các cán bộ, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong thời gian đảm nhận chức vụ; cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được điều động, luân chuyển theo yêu cầu công tác.

Luật Nhà ở cần quy định chặt chẽ về nhà ở công vụ ảnh 1

Khu nhà công vụ tại Hoàng Cầu (Hà Nội), nơi có không ít quan chức về hưu chưa trả lại nhà. Ảnh: Như Ý

Ngoài ra có một số đối tượng khác là sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu; bác sỹ, giáo viên được cử đến công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...

Một số ý kiến ĐBQH cho rằng chế độ nhà công vụ nhằm phục vụ một số cán bộ cấp cao là cần thiết, nhất là với những cán bộ đi luân chuyển công tác, được điều động từ trung ương về các địa phương như vừa qua, hoặc ngược lại. Nhưng quy định này bất cập ở chỗ nó có thể tạo ra sự bất cập về chính sách. “Với những cán bộ, công chức thuộc diện ở nhà công vụ, cao đến cấp nào, đối tượng nào, phải quy định rõ, nếu không sẽ khó thực hiện. Cần có sự rà soát, tổng kết lại để rút kinh nghiệm” – ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nêu quan điểm.

Cũng theo bà Bùi Thị An, nhà nước cần tạo ra chính sách bình đẳng về nhà ở theo quy định tại Hiến pháp mọi công dân đều phải có quyền về nhà ở. “Cần sớm hình thành thị trường nhà ở xã hội, nhà cho thuê đáp ứng cho số đông cán bộ, công nhân của chúng ta chưa có điều kiện mua nhà. Có như vậy người lao động, viên chức nghèo mới có nhà ở theo đúng tinh thần Hiến pháp đã quy định” – Bà An nói.

Không trả nhà, gây dư luận không tốt

ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, lâu nay có dư luận về cán bộ này, cán bộ kia sau khi về nghỉ hưu thì giữ lại nhà không trả, cái đó là có và sẽ gây dư luận không tốt, không hay về cán bộ. “Nếu mà cứ nghĩ mình về nghỉ rồi cần gì phải gương mẫu nữa thì cũng không đúng, nhân dân sẽ nghĩ gì về cán bộ, về cơ quan quản lý nhà công vụ” – Bà An băn khoăn.

Trả nhà công vụ sẽ được mua nhà xã hội

Theo quy định tại điều 36 Dự thảo luật nhà ở sửa đổi , “Trường hợp khi trả lại nhà ở công vụ mà người thuê nhà ở công vụ chưa có nhà ở tại nơi sinh sống thì cơ quan, tổ chức nơi người trả lại nhà công vụ phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người đó sinh sống căn cứ vào tình hình cụ thể để giải quyết cho người trả lại nhà công vụ được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội hoặc giao đất để họ xây dựng nhà ở”.

Ông Lê Văn Cuông (nguyên ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) nhận xét, hầu hết cán bộ, công chức nhất là cán bộ cấp cao đều đã có chế độ nhà, thậm chí tiền lương cũng đã tính vào chi phí nhà. Vậy tại sao chỉ có anh được ở nhà công vụ, trong khi số đông cán bộ, công nhân thì không?

“Không nên duy trì chế độ nhà công vụ để tránh lãng phí, tránh tình trạng cha chung không ai khóc, ngân sách đỡ khoản chi phí xây dựng, bảo trì đối với nhà công vụ” – Ông Cuông nói.

Không đồng tình về cách quản lý nhà công vụ có phần dễ dãi như vừa qua, TS Phạm Sỹ Liêm (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) cho rằng việc chây ì không trả nhà sau khi đã về nghỉ là rất đáng buồn. Nhưng khi gặp trường hợp như thế chúng ta rất khó xử lý. Chúng ta cũng chưa thấy ai cưỡng chế nhà công vụ bao giờ, vì người ở nhà công vụ chủ yếu là cán bộ cấp cao. “Chính nhà ở công vụ đang có kẽ hở cho tiêu cực, lãng phí” – Ông Liêm chỉ rõ.

Thực tế thời gian qua, không ít cán bộ công chức sau khi được phân nhà công vụ đã không trả lại nhà dù họ đã về nghỉ chế độ hay chuyển công tác khác. “Có người gương mẫu người ta trả lại nhà, nhưng cũng có anh chây ì, không chịu trả, rất mất uy tín. Cần phải bỏ cơ chế bao cấp về nhà ở, tạo bình đẳng, công khai về nhà ở, hết sức tránh độc quyền, phân phối nhà ở từ ngân sách. Có như vậy chúng ta mới có thể tiết kiệm được chi tiêu ngân sách, bịt được lỗ hổng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Nếu còn bao cấp, còn nhà công vụ thì còn xin cho, còn sơ hở và nhũng nhiễu” – Ông Cuông nói.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.