Thu hồi nhà công vụ: Nỗi niềm quan chức nghỉ hưu

Khu nhà công vụ Hoàng Cầu. Ảnh: L.H.V
Khu nhà công vụ Hoàng Cầu. Ảnh: L.H.V
TP - Các hộ dân là cựu quan chức đang sinh sống tại khu nhà công vụ Hoàng Cầu cho rằng, cả luật và đơn vị quản lý trước đây đều không đề cập việc về hưu phải trả nhà. Khi “hết quan hoàn dân”, họ cũng có nhiều nỗi niềm như bất cứ ai.

Không phải ai cũng nhường con, cháu ở

Sau khi Tiền Phong đăng tải loạt bài về nhà ở công vụ (số 79 - 80 ngày 20 - 21/3/2014), một số cựu cán bộ đã về hưu, hiện vẫn sống trong khu nhà công vụ Hoàng Cầu (61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, TP Hà Nội) đã lên tiếng giãi bày, do đâu họ vẫn chưa trả nhà dù về hưu từ nhiều năm nay.

Trao đổi với PV Tiền Phong sáng 21/3, bà Nguyễn Thị Phi Yến (ở căn hộ 407-A1, Tổ trưởng dân phố kiêm Bí thư Chi bộ nhà công vụ Hoàng Cầu) - đại diện cho những hộ ở đây cho biết: Chồng bà được phân nhà từ năm 2000; tới năm 2003 ông về hưu, nhưng gia đình vẫn ở tới nay. 

Theo bà Yến, trong quyết định giao nhà của Văn phòng Chính phủ không ghi thời hạn được sử dụng, không có hợp đồng thuê, chỉ cầm quyết định và về ở. 

Từ khi chồng bà nghỉ hưu tới nay, đơn vị quản lý nhà (Cục Quản trị I, Văn phòng Chính phủ) không thông báo, hay quyết định gì về việc về hưu phải trả lại nhà. Từ năm 2014, khu nhà chuyển về Bộ Xây dựng quản lý, cũng không thấy thông báo giải quyết thế nào với hộ dân, chỉ nói với báo chí sẽ thu hồi.

Theo phản ánh của bà Yến, khi về đây, chất lượng nhà cũng rất kém (tường đóng đinh là vỡ), nội thất không có, thiết kế không hợp lý (nhà vệ sinh không có thông gió, kệ bếp xây giữa nhà…). Bởi vậy, người dân phải tự bỏ tiền để sửa sang, mua sắm nội thất. 

Theo bà, năm 2011, đơn vị quản lý có một lần đặt vấn đề ai đã về hưu, có nhà nơi khác thì chuyển. Tuy nhiên, khi người dân đề cập tới việc giải quyết phần tiền đã bỏ ra sửa chữa, mua nội thất, không thấy đơn vị quản lý nhắc tới nữa.

Ông Nguyễn Thạc Giáp, ở nhà 502-B2 (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc miền núi của Chính phủ) cho rằng, quy định trước đây không đề cập gì tới việc về hưu phải trả nhà. 

Khi về hưu (2003) tới nay, cũng không ai nói gì nên cả nhà ông Giáp vẫn ở lại. Thông tư 01/2014, của Bộ Xây dựng mới ban hành (có hiệu lực từ 6/3), mới quy định rõ về hưu phải trả nhà. Ngày 31/12/2013, khi đại diện Bộ Xây dựng xuống làm việc với các hộ dân, cũng chỉ thông báo đổi đơn vị quản lý, không đả động gì tới việc thu hồi nhà.

Cựu lãnh đạo mong gặp lãnh đạo

Bà Nguyễn Thị Phi Yến cho biết, những người đã về hưu ở khu nhà Hoàng Cầu đều sẵn sàng chuyển đi. Với điều kiện, phải có chính sách minh bạch, rõ ràng, hỗ trợ người dân khó khăn ra sao, giải quyết phần tiền đã bỏ vào căn hộ thế nào…

“Cho tới nay, chưa ai xuống gặp chúng tôi để trao đổi về những vấn đề đó. Chúng tôi có hiểu biết, trình độ cả chứ. Chỉ cần cho chúng tôi biết phương án giải quyết, có nơi để đi, thời gian để chuyển, chúng tôi sẽ đi ngay”, bà Yến khẳng định. Theo bà, cán bộ về hưu đều đã già cả, ốm yếu phải mổ tim, chạy thận, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Phải tùy trường hợp để giải quyết thấu tình, đạt lý.

Theo bà Yến, để xảy ra lùm xùm như ngày hôm nay là do bộ máy quản lý chưa chặt chẽ, chưa tới nơi tới chốn, thiếu tiếp xúc với người dân. “Chỉ mong muốn, ít nhất được người có trách nhiệm của Bộ Xây dựng lắng nghe chúng tôi, giải quyết thấu tình đạt lý”, bà Yến nói.

Ông Nguyễn Thạc Giáp cho rằng, Nghị định 90/2006 (hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở), có quy định: Trường hợp cán bộ, công chức sử dụng nhà công vụ khó khăn về nhà ở, cơ quan nơi người đó công tác, đơn vị quản lý nhà công vụ phải phối hợp với UBND cấp tỉnh (nơi cán bộ có nhu cầu sinh sống), bố trí cho họ được thuê, mua nhà ở xã hội; hoặc hỗ trợ bằng hình thức khác để họ có nhà ở. Tuy nhiên, quy định đó chưa được thực hiện đã ra đời Thông tư 01, và không đề cập tới vấn đề quy định cũ nữa.

Theo bà Yến, hiện trong số 80 căn hộ của cả khu nhà công vụ Hoàng Cầu, chỉ có khoảng 15/80 hộ cán bộ đang đương chức ở, 2-3 hộ trả lại nhà, một số khóa cửa để đó, còn lại đều là của các hộ đã về hưu.

 Về việc giao nhà công vụ không có thời hạn, ông Vũ Xuân Thiện, Cục phó Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Bộ tiếp nhận nhà công vụ Hoàng Cầu từ Văn phòng Chính phủ, nên hợp đồng thuê nhà thế nào bộ không biết”. 

Về khoản tiền người dân đã đầu tư để sửa chữa, mua sắm nội thất và chính sách ưu đãi cho cán bộ về hưu trả lại nhà công vụ, theo ông Thiện, phải có ý kiến của Bộ trưởng mới nghiên cứu xây dựng, đề xuất. 

NGỌC MAI

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.