Lúa mùa nổi ở xã Vĩnh Xương. Ảnh: Thanh Hải
Lúa “siêu sạch” vì suốt 6 tháng ở ngoài đồng, không bón bất cứ loại phân gì, hữu cơ hay hóa học, cũng không xịt thuốc sâu. Gạo lúa mùa nổi nấu cơm rất ngon, thơm ngọt và lành. Đầu mùa lũ gieo sạ rồi mặc cây lúa đứng ngoài đồng, nước lũ về cây lúa ngoi theo con nước, gặp năm lũ lớn thì cây lúa cao 3-4 m là thường. Khi lũ rút, lúa chín vàng là thu hoạch.
“Tôi gắn bó với cây lúa mùa nổi cũng bầm dập, nhiều bận vất vả lắm nhưng nay dễ thở rồi”, lão nông Nguyễn Văn Nào ở xã Vĩnh Phước cười tươi. Cây lúa mùa nổi xưa kia là cây lúa chính của ĐBSCL, sinh trưởng trong mùa lũ. Nhưng thời gian sinh trưởng dài, năng suất lại thấp, khi phát triển lúa cao sản ngắn ngày để chống đói đã đẩy cây lúa mùa nổi hầu như biến mất. Ở huyện Châu Phú khi lên đê bao để làm 3 vụ lúa thì lão nông Nào mang giống Nàng Tây Đùm vào vùng sâu Vĩnh Phước để tiếp tục gieo sạ. Ông kể: “Trong nhiều năm, làm hơn 2 ha lúa Nàng Tây Đùm mà chỉ đủ gạo ăn, phải kiếm thêm cá tôm để đắp đổi qua ngày”.
Cánh đồng làm lúa mùa nổi, nửa năm ngập lụt còn nửa năm lại khô hạn. Hai mùa rõ rệt, hạ tầng kỹ thuật hoang sơ, kinh tế thị trường chưa phát triển, cuộc sống rất khó khăn. Nhưng cũng lạ, không chỉ gia đình lão nông Nguyễn Văn Nào mà nhiều nông gia khác cũng không rời được lúa mùa nổi. Từ nhiều nơi, họ dồn về vùng sâu của huyện Tri Tôn mang theo các giống lúa Nàng Tây Đùm, Chệch Cụt, Bông Sen, Tây Bông Dừa, trồng hàng chục héc ta ở hai xã Vĩnh Phước và Lương An Trà.
Năm 2013, Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn của Trường ĐH An Giang về hỗ trợ nông dân phát triển lúa mùa nổi. Năm đó, 21 hộ nông dân nặng tình với cây lúa mùa nổi được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ thành lập tổ hợp tác. Diện tích lúa mùa nổi ở Tri Tôn tăng lên 43 ha, năm nay 92 ha. Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phước, ông Trần Văn Đàng, cho biết: “Kế hoạch năm 2015 sẽ tăng lên 200 ha và năm 2020 là 500 ha”.
Lúa mùa nổi năng suất chỉ 2 - 2,5 tấn/ha nhưng lợi nhuận cao vì giá bán cao mà chi phí thấp. Sau vụ lúa, nông dân trồng màu cũng thu hoạch khá vì đất lắng đọng nhiều phù sa màu mỡ, ít phải bón phân. Lão nông Nguyễn Văn Tàm ở xã Vĩnh Phước phấn khởi: “Năm ngoái tôi trồng 21 công kiệu, lãi trên 200 triệu đồng”.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn của Trường ĐH An Giang, TS Nguyễn Văn Kiền phân tích ưu điểm lớn của làm lúa mùa nổi là giữ được đa dạng sinh học, nông sản đạt chất lượng cao, có thị trường rộng lớn.