Khi áo xanh đứng lớp
14h30 phút chiều, căn nhà nhỏ cấp bốn được chọn làm “đại bản doanh” lớp học có gần 30 em nhỏ lục tục kéo đến lớp. Trong cái nóng hầm hập của xứ Nghệ tháng 7, dù phòng học đơn sơ có một chiếc quạt trần với vài bộ bàn ghế cũ nhưng 5 cô giáo tình nguyện đứng lớp vẫn ướt đẫm mồ hôi.
Tiếng đánh vần bi bô, tiếng nhẩm cộng, trừ, nhân chia của các em nhỏ khiến nhiều người dân xung quanh kéo đến xem. 5 cô giáo xoay như chong chóng vì phải chỉ bảo từ tập đọc, làm tính đến đánh vần, tiếng Anh…
Đưa cháu đến lớp học, bà Lê Thị Hải kể, cháu rất ham học, cứ đến giờ là đòi bà dẫn đến lớp. “Trong một lần đi làm ngang qua, tình cờ thấy lớp học, bà dẫn cháu đến cho vui. Vừa có chỗ chơi, các cô lại bày thêm cho việc học nữa. Thật là tốt cho trẻ ở quê”, bà Hải chia sẻ.
Giọng vẫn còn khàn sau trận ốm trước khi đi tình nguyện, Lê Thị Thảo Anh quê ở Thanh Hóa, sinh viên khoa Khoa học môi trường (ĐH Vinh) hết dạy Toán, dạy Văn lại thêm cả tiếng Anh cho các em.
Thảo Anh bảo được đi tình nguyện rất vui. Trong lúc Thảo Anh say sưa hướng dẫn một em nhỏ học Toán thì một góc khác, Nguyễn Thị Hiền, sinh viên năm nhất khoa Sư phạm Sinh (ĐH Vinh) đang chụm đầu, xòe tay cùng một em nhỏ khác tập đếm từ 1 đến 10. “Bé vừa mới bắt đầu với những con số, phải cố gắng thân thiện, gần gũi để các em ấy làm quen”, Hiền nói.
Giờ giải lao, các em nhỏ ngồi vòng tròn quanh lớp học. Kiều Linh Chi, sinh viên năm 2 khoa Sư phạm Toán (ĐH Vinh) đứng ra tổ chức trò chơi. Tiếng cười vang khắp phòng học khi trò chơi bắt đầu. Từ học sinh học lớp 7 đến những em bé chưa vào lớp 1 đều hào hứng tham gia.
Bài học từ nơi gian khó
Ngoài dạy học, các tình nguyện viên còn làm nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh môi trường, phối hợp với thanh niên trong xã xây dựng sân bóng chuyền…
Đây là năm đầu tiên Lê Thị Thảo Anh tham gia hoạt động tình nguyện hè. Là con gái thành phố, Thảo Anh được “chiều chuộng” từ nhỏ, bố mẹ giúp đỡ hết việc nhà. Sống trong cảnh đủ đầy nên cùng lắm cô cũng chỉ cắm cơm bằng nồi điện. Thế mà, chỉ vài ngày đi tình nguyện, Thảo Anh tự tin khoe có thể nhóm lửa củi, nấu ăn cho 30 người ăn.
“Ở Đức Thành cứ ban ngày thì nắng, chiều tối về đêm lại mưa, sáng dậy củi ướt hết, công đoạn nhóm bếp là khó nhất, mấy đứa phải đua nhau thổi, mặt mũi đen hết”, Thảo Anh chia sẻ.
“Bố mẹ biết vất vả nhưng vẫn muốn mình đi để trải nghiệm và trưởng thành hơn, biết tự chăm sóc bản thân. Mình học hỏi nhiều trong cách cư xử, sinh hoạt cho phù hợp môi trường tập thể. Tình nguyện đợt này giúp mình trưởng thành và tự lập hơn nhiều”.
Kiều Linh Chi
Thảo Anh cũng kể, những ngày qua bạn đã học hỏi được nhiều điều về cuộc sống. Trong lớp học có một em học sinh gầy, đen lại nhỏ người nữa. Sau buổi dạy ,trò chuyện với em nhỏ ấy, Thảo Anh biết em đang ở với ông bà, mẹ mất rồi và em cũng chưa được nhìn thấy mẹ bao giờ.
Điều đó khiến bạn rất xúc động. Đồng thời như thấy trân trọng cuộc sống mình đang có và tự nhủ phải cố gắng hơn. “Ở nhà có bố mẹ nuông chiều, còn sống trong tập thể có nhiều rắc rối, nhiều khi phải biết nhường nhịn, bỏ qua cho nhau”, Thảo Anh nhìn nhận.
Theo Kiều Linh Chi, đi tình nguyện vất vả nhưng học hỏi được nhiều điều khi giúp đỡ người khác. Đây là lần đầu tiên Chi tình nguyện xa nhà. Chung suy nghĩ, Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Đợt này mình biết thêm được nhiều thứ, biết cách gần gũi mọi người, biết bình tĩnh, nhẫn nhịn, hòa đồng với tập thể”.
Đội tình nguyện của ĐH Vinh tại xã Đức Thành (Yên Thành, Nghệ An) có 30 người. Để có kinh phí đi tình nguyện, mỗi cá nhân tự đóng góp gần 1 triệu đồng. Cứ 10 người luân phiên thay nhau nấu ăn cho cả đội.