Lợi ích nhóm khiến nước Mỹ ‘bất lực’ trong kiểm soát súng đạn

Ảnh: CBC
Ảnh: CBC
TPO - Sau vụ xả súng kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ tại Las Vegas, đã có nhiều tiếng nói kêu gọi thắt chặt các quy định về sử dụng súng đạn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cả về mặt pháp lý lẫn lợi ích nhóm trong việc kiểm soát súng đạn tại Mỹ.

Rào cản pháp lý

Ngay từ những ngày đầu lập quốc, Hiến pháp nước Mỹ đã cho phép người dân có quyền được sở hữu súng đạn. Hơn nữa, trong lần sửa đổi Hiến pháp lần thứ hai vào năm 1791, Hiến pháp Mỹ còn nhấn mạnh thêm người dân được bảo vệ khi sở hữu súng đạn và mang theo vũ khí. Điều này vô hình chung đã gây ra rào cản lớn nhất về mặt pháp lý cho việc thắt chặt các quy định về kiểm soát súng đạn sau này.

Đặc biệt, ở cấp độ Liên bang, sự quan tâm chú ý tới các quy định về sử dụng súng đạn hầu như không dẫn tới hành động nào trong nhiều thập kỷ qua của Quốc hội Mỹ. Bởi nếu dự luật kiểm soát súng đạn được thông qua tại Hạ viện thì khi lên Thượng viện lại bị bác bỏ và ngược lại.

Tại Hạ viện Mỹ, các thống kê cho thấy, hầu hết các nỗ lực gần đây để thông qua các luật Liên bang mới nhằm kiểm soát súng đạn đã bị dập tắt trước khi được bắt đầu, đặc biệt bị ngăn chặn tại Hạ viện, vốn nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa kể từ năm 2011.

Vào tháng 6/2016, một nhóm chính khách đảng Dân chủ đã tổ chức cuộc biểu tình ngồi tại Hạ viện để phản đối quyết định không tổ chức bỏ phiếu về hai dự luật kiểm soát súng đạn của giới lãnh đạo Hạ viện. 

Một cuộc thăm dò ý kiến do CNN tiến hành trong tháng 6/2016 sau vụ xả súng tại câu lạc bộ Pulse ở Orlando cho kết quả 68% thành viên đảng Cộng hòa được hỏi phản đối thắt chặt lệnh kiểm soát súng đạn.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong năm 2000, 38% người ủng hộ đảng Cộng hòa và 20% người theo đảng Dân chủ cho rằng việc bảo vệ quyền sử dụng súng đạn quan trọng hơn kiểm soát sở hữu súng đạn.

Trong khi đó, tại Thượng viện Mỹ, tình hình cũng không khả quan hơn. Nếu dự luật kiểm soát súng đạn được thông qua tại Hạ viện, thì nó vẫn đối mặt với thách thức tại Thượng viện, nơi sự chia rẽ giữa thành thị và nông thôn cũng có ảnh hưởng ở cấp độ Tiểu bang.

Các bang chịu sự chi phối của các cử tri thành thị, như New York, Massachusetts hay California bị áp đảo bởi các bang nông thôn phía Nam với làn sóng ủng hộ sở hữu súng đạn. 

Các thủ tục trong Thượng viện cũng có thể dập tắt các nỗ lực nhằm ban hành một quy định kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt hơn. Do tồn tại thủ tục "quyền được tranh luận không giới hạn trong nghị trường", nên hầu hết các quy định cần tới 60/100 phiếu ủng hộ tại Thượng Viện để được thông qua, thay vì đa số 51 phiếu. 

Ngoài ra, quy định về sử dung súng đạn tại Mỹ còn vấp phải một rào cán pháp lý khác đó là hệ thống tòa án Mỹ. Trong những năm gần đây, Tòa án Tối cao đã 2 lần khẳng định rằng quyền sở hữu vũ khí cá nhân như súng ngắn được ghi trong Hiến pháp Mỹ. 

Sự chi phối của nhóm lợi ích

Lợi ích nhóm được cho là một trong những rào cản lớn trong việc thắt chặt các quy định về sử dụng súng đạn tại Mỹ. Trong đó, Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) là một trong các nhóm lợi ích có ảnh hưởng nhất trên chính trường Mỹ - không chỉ bởi số tiền mà họ sử dụng để vận động các chính khách mà còn bởi sự tham gia của 5 triệu thành viên.

NRA phản đối hầu hết các đề xuất tăng cường quy định kiểm soát súng và đứng sau các nỗ lực ở cấp độ Liên bang và Tiểu bang nhằm giảm bớt các hạn chế trong việc sở hữu súng đạn.

Tổng ngân sách hàng năm của NRA là khoảng 250 triệu USD, được phân bổ cho các chương trình giáo dục, súng đạn, chương trình hội viên, học bổng, vận động các nhà lập pháp và các nỗ lực liên quan. Tuy nhiên, hơn cả các con số đơn thuần đó, NRA đã nổi danh tại Washington như là một thế lực chính trị có thể “tạo dựng"  và cũng có thể "hạ bệ” các chính khách quyền lực nhất. 

Đặc biệt, vừa qua NRA thể hiện sự quyền uy của mình bằng cách lên án "sự cuồng loạn, tin tức giả và hành động gây hoang mang" của những người ủng hộ kiểm soát súng đạn đang "tuyệt vọng tìm cách cản trở" đạo luật SHARE-một đạo luật giúp những công dân đang sở hữu vũ khí dễ dàng mua ống giảm thanh hơn.

Ngoài ra, các nhóm ủng hộ kiểm soát súng đạn, được hậu thuẫn bởi các nhà bảo trợ giàu có như cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg, đã trở nên có tổ chức hơn trong những năm gần đây, với nỗ lực sánh ngang với sức mạnh chính trị của NRA.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, chừng nào các nhóm ủng hộ việc sử dụng súng đạn còn can thiệp vào bầu cử và ngành lập pháp, thì họ vẫn là “bá chủ” trong "thị trường" súng đạn của nước Mỹ. 

Sau khi xảy ra vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ tại thành phố Las Vegas, Nhà Trắng và Tổng thống Trump chưa cho thấy có dấu hiệu tích cực nào về việc thắt chặt quy định kiểm soát súng đạn. Đặc biệt trong chuyến thăm tới Las Vegas hôm 3/10, ông Trump đã không đả động gì tới vấn đề kiểm soát súng đạn. Trước đó, ngày 2/10, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cũng cho biết hiện tại "vẫn chưa phải lúc" để khơi lại cuộc tranh luận về kiểm soát súng đạn tại Mỹ.

Như vậy có thể thấy rằng, những khác biệt trong việc quyết tâm theo đuổi mục tiêu của các cá nhận và đảng phải khác nhau trong nước Mỹ là những rào cản về mặt pháp lý và lợi ích đối với các đạo luật kiểm soát súng đạn của Mỹ. 

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.