Sở hữu súng đạn: Vòng luẩn quẩn của nước Mỹ

Sở hữu súng đạn: Vòng luẩn quẩn của nước Mỹ
TPO - Vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ tại thành phố Las Vegas tối ngày 1/10 đã làm nước Mỹ "dậy sóng" liên quan tới luật sở hữu súng đạn. Và như vậy vấn để sở hữu súng đạn một lần nữa tiếp tục trở thành vòng luẩn quẩn trong lòng nước Mỹ.

Những vụ xả súng kinh hoàng trong lịch sử nước Mỹ

Những năm gần đây, xã hội Mỹ liên tiếp phải hứng chịu những vụ tấn công kinh hoàng bằng súng đạn. Điều này đã gây tổn hại tới cảm giác an toàn của các tầng lớp dân chúng bình dân Mỹ.

Kể từ vụ án xả súng đẫm máu xảy ra tại Trường Trung học Columbine ở Littleton, Colorado, ngày 20 tháng 4 năm 1999 giết chết 12 học sinh đến nay, nước Mỹ đã xảy ra hàng loạt vụ xả súng đẫm máu khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Đặc biệt, sau khi thế giới bước vào thế kỷ 21, nước Mỹ tiếp tục phát sinh nhiều sự kiện xả súng kinh hoàng hơn. Trong đó, phải kể đến đó là sự kiện xả súng kinh hoàng tại Viện công nghệ Virginia Tech vào ngày 16 tháng 4 năm 2007. Trong sự kiện này, sinh viên Seung-Hui Cho, lúc đó 23 tuổi, đã thực hiện hai vụ xả súng liên tiếp giết chết 32 người, 17 người bị thương, có thêm 6 người bị chấn thương do nhảy ra ngoài cửa sổ để cố gắng trốn thoát.

Tiếp đó tới năm 2009, lại xảy ra vụ xả súng tại một Căn cứ quân sự Fort Hood, Killeen, Texas, ngày 5 tháng 11 năm 2009. Trong vụ này, viên Thiếu tá Lục quân Mỹ Nidal Hasan đã bắn chết 13 người và làm 30 người bị thương. Hasan là bác sĩ tâm thần, tuy nhiên được cho là bị một giáo sĩ Hồi giáo tác động trở nên cực đoan. Đây là vụ xả súng lớn nhất tại các căn cứ quân sự của Mỹ. Hasan sau đó bị bắt và bị kết án tử hình. Và một vụ khác Jiverli Wong, một người Mỹ gốc Việt, đã nổ súng tại trung tâm di trú của tiểu bang Binghamton, bang New York khiến 13 người đã thiệt mạng, 4 người khác bị thương.

Kinh hoàng và khiến nhiều người in đậm dấu ấn hãi hùng hơn nữa đó là sự kiện diễn ra tại Trường tiểu học Sandy Hook, Newtown, Connecticut, ngày 14 tháng 12 năm 2012. Hung thủ Adam Lanza 20 tuổi, đã nổ súng giết chết 20 trẻ em 6 – 7 tuổi và sáu người lớn là nhân viên nhà trường. Một người bị thương. Sau đó tên tội phạm này đã tự tử bằng cách bắn vào đầu mình. Được biết, trước khi thực hiện vụ nổ súng, Lanza đã giết mẹ mình.

Tiếp đến năm 2015, cặp vợ chồng Syed Farook và Tashfeen Malik sống ở thành phố Redlands, bang California nổ súng tại buổi tiệc hằng năm (có 80 người ham dự) ở Sở y tế San Bernardino khiến 14 người thiệt mạng và 22 người bị thương nặng. Sau khi xả súng, cặp vợ chồng này trốn vào chiếc xe hơi mọi địa hình mà họ thuê và đấu súng với cảnh sát suốt 4 giờ sau đó. Cuối cùng, cả hai đã bị cảnh sát bắn chết.

Đặc biệt, ngày 12 tháng 6 năm 2016, hung thủ Omar Mateen đã xả súng trong hộp đêm Pulse dành cho người đồng tính nam ở trung tâm thành phố Orlando,  Florida giết chết 50 người và làm ít nhất 53 người bị thương. Tổng thống Barack Obama gọi sự kiện này là một hành động khủng bố và là hành động thù hận. Đây là vụ nổ súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ tính tới trước thời điểm diễn ra vụ xả súng kinh hoàn tại thành phố Las Vegas vào tối ngày 01/10/2017. 

Ngày 01/10/2017, Stephen Craig Paddock, 64 tuổi, kẻ thường xuyên tới Las Vegas đánh bạc đã thực hiện vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ  tại liên hoan âm nhạc đồng quê diễn ra tại Khu nghỉ dưỡng và casino Mandalay Bay ở Las Vegas, Mỹ khiến 59 người thiệt mạng và 527 người bị thương. Trong một bài phát biểu không lâu sau vụ tấn công, Tổng thống Mỹ Donal Trump gọi "đây là một hành động cực kì tàn ác”.

Cấm hay không cấm sở hữu súng đạn-vòng luẩn quẩn của nước Mỹ

Mặc dù, nước Mỹ đã hứng chịu rất nhiều vụ xả súng đẫm máu giết chết hàng trăm người dân vô tội. Tuy nhiên, dường như vẫn chưa có bất kỳ động thái nào thúc giục dư luận công chúng Mỹ chuyển sang hướng kêu gọi kiểm soát súng đạn. Ngược lại, trào lưu sở hữu súng đạn của người Mỹ khiến thế giới cảm thấy khó hiểu.

Xuất phát từ giá trị quan của chủ nghĩa tự do, văn hóa sở hữu súng đạn ở Mỹ đã "ăn sâu bám rễ" vào đời sống người dân. Sở dụng một khẩu súng được cho là quyền lợi cơ bản của một công dân. Và điều này đã được ghi vào Hiến pháp nước Mỹ ngay từ đầu lập quốc.

Hơn nữa, trong lần sửa đổi Hiến pháp lần thứ hai vào năm 1791, Hiến pháp Mỹ còn nhấn mạnh thêm rằng người dân được bảo vệ khi sở hữu súng đạn và mang theo vũ khí. Điều này đã mang lại cho Hiệp Hội súng của Mỹ National Rifle Association (NRA) vai trò ảnh hưởng cực lớn trong việc bảo vệ lợi ích của người sở hữu súng đạn. Chính vì vậy, người Mỹ cho rằng họ có quyền lợi đặc biệt khi sử dụng súng đạn.

Tuy nhiên, có một con số không thể bỏ qua đó là, hơn 40 năm qua, đã có khoảng 100 nghìn người Mỹ chết vì bạo lực súng đạn. Con số này đã vượt quá tổng số người chết trong các cuộc chiến tranh tại nước Mỹ kể từ năm 1917 đến nay.

Mặc dù, trong nhiều năm qua nước Mỹ đã thông qua nhiều điều luật và chính sách để kiểm soát và hạn chế sử dụng súng đạn.

Tuy nhiên, tính đến nay, trên thị trường vẫn có rất nhiều loại súng đạn được bán ra. Cộng với việc hiện tại nước Mỹ đã có hơn 300 triệu khẩu súng nằm trong tay  người dân. Điều này đã khiến cho các nỗ lực kiểm soát súng đạn của chính phủ Mỹ trở lên "vô vọng".

Theo các chuyên gia phân tích, việc Mỹ trong thời gian dài không thể bảo vệ công dân của họ trước các mối nguy hiểm từ bạo lực súng đạn đã trở thành hình ảnh thu nhỏ về sự mất đi cái gọi là "giá trị dân chủ Mỹ". Chính điều này khiến đa phần người dân Mỹ cho rằng, sở dụng súng đạn thực sự là một quyền lợi trời ban tượng trưng cho giá trị tự do dân chủ Mỹ.

Tuy nhiên, những cái giá mà Mỹ phải trả cho việc "không cấm sở hữu súng đạn" là điều mà cả thế giới đều thấy được.

Nước Mỹ, có sự bảo vệ của Hiến pháp, do đó không thể cấm người dân sở hữu súng đạn. Ngược lại, do bạo lực bùng phát, khó khăn trong kiểm soát súng đạn, khi xảy ra các vụ xả súng đẫm máu, người dân một mặt chỉ biết tự trách mình, mặt khác cảm thấy không an toàn do đó buộc họ phải đi mua súng.

Vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ tại thành phố Las Vegas, khiến 59 người thiệt mạng và 527 người bị thương vào tối ngày 1/10/2017. Đặc biệt, là những đợt "dậy sóng" trong lòng nước Mỹ liên quan tới luật sở hữu súng đạn một lần nữa khiến vấn đề sở hữu súng đạn tiếp tục trở thành vòng luẩn quẩn trong lòng nước Mỹ.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.