Tuy nhiên, sau đợt dịch, vào đầu tháng tư tới đây, học sinh, sinh viên trở lại trường, Hà Nội sẽ tiếp tục viễn cảnh ùn tắc triền miên bất kể giờ cao điểm hay thấp điểm. Ùn tắc giao thông gây thiệt hại không hề nhỏ, làm giảm hiệu suất lao động và tăng các chi phí của người tham gia giao thông.
Trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch, lãng phí trong giao thông lại đặt thêm một gánh nặng lo toan đời sống kinh tế lên người dân. Một nghiên cứu từng công bố, chỉ riêng thành phố Hà Nội, chi phí tăng thêm do tiêu hao nhiên liệu và lãng phí công lao động vì ùn tắc giao thông ở nội thành hết khoảng 36,4 tỷ đồng/ngày (12.812 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 600 triệu USD/năm).
Tác giả Hà Nhân |
Nguyên nhân căn bản do tỷ lệ quỹ đất giao thông so với diện tích xây dựng đô thị ở Hà Nội gần như ít, tốc độ mở rộng gần như “giậm chân tại chỗ” trong nhiều năm qua, khiến ùn tắc diễn ra triền miên. Chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông/diện tích xây dựng đô thị tại Thủ đô tăng chỉ khoảng 0,3% trong nhiệm kỳ vừa qua.
Để giải quyết căn cơ tình trạng này, Hà Nội đã quy hoạch nhiều tuyến đường sắt đô thị, các tuyến vành đai, trục hướng tâm. Tuy nhiên, ngoài tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông đã đi vào vận hành sau nhiều năm ì ạch, thì các tuyến khác và nhiều dự án giao thông trọng điểm của thành phố đều trong tình trạng chậm tiến độ. Đường vành đai 1 nằm “bất động” hơn chục năm qua, đường vành đai 2 trên cao, vành đai 3,5 dang dở, đường sắt đô thị Nhổn- Ga Hà Nội chưa rõ ngày về đích. Các dự án được coi là phạm vi nhỏ hơn như xây dựng cầu vòm sắt hồ Linh Đàm và mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm cũng trong tình cảnh “rùa bò”.
Trong khi các dự án trọng điểm không triển khai được thì cơ quan tham mưu chính là Sở GTVT Hà Nội trong vài năm gần đây chỉ loay hoay với giải pháp xén vỉa hè để mở rộng đường cũ. Hàng loạt các tuyến phố được coi là đẹp nhất nhì Hà Nội như Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Văn Cao…với những hàng cây xanh rợp mát đã phải đánh chuyển hoặc chặt bỏ để mở rộng đường. Tuy nhiên, đường cũ xén vỉa hè, mở rộng đến đâu thì một thời gian sau lại ùn tắc do các tuyến vành đai kết nối, xuyên tâm chưa được xây dựng đồng bộ, nhất là những nút giao cắt cửa ngõ vành đai lại biến thành những điểm ùn tắc mới.
Đầu năm 2022, thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021- 2025. Chỉ tiêu được thành phố đưa ra là hằng năm xử lý từ 7 điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, trong tình cảnh các dự án giao thông trọng điểm triển khai ì ạch hiện nay thì chương trình giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội sẽ không tránh khỏi lo ngại “đầu voi đuôi chuột”.