Loay hoay tìm giải pháp cho quảng cáo ngoài trời

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau nhiều năm tìm các giải pháp đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời, đặc biệt là các quảng cáo tấm lớn, Hà Nội vẫn loay hoay chưa gỡ được nút thắt.

Vi phạm tràn lan

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, trên địa bàn thành phố Hà Nội trong khoảng 1 năm trở lại đây, các biển quảng cáo tấm lớn hầu như không được cấp phép cho nội dung quảng cáo vì chờ chủ trương của thành phố. Tuy nhiên các biển quảng cáo lớn nhỏ vẫn tràn lan tại các ngã tư phố lớn. Sau khi có phản ánh của báo chí, hiện các biển quảng cáo tấm lớn tại các ngã tư: Kim Liên - Xã Đàn, Đại Cồ Việt - Giải Phóng, Bạch Mai - Đại Cồ Việt, Lò Đúc - Trần Khát Chân... đều đã bị phủ bạt, che đi phần nội dung bên trong.

Một số tuyến phố như đường Yên Phụ, Nghi Tàm (quận Tây Hồ), Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) nhiều biển quảng cáo bị dỡ bỏ, trơ lại khung sắt han gỉ, gây mất mỹ quan đô thị.

Loay hoay tìm giải pháp cho quảng cáo ngoài trời ảnh 1

Ngã tư Kim Ngưu - Trần Khát Chân, các biển quảng cáo đã bị che lại chờ cấp phép mới.

Đại diện UBND phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) cho biết, ngay trong tháng 3/2023, UBND phường đã xử phạt 3 đơn vị có 8 điểm quảng cáo gần cầu Chương Dương với số tiền là 7 triệu đồng. Đa số đều sai về kích thước quảng cáo. Hiện nay 100% biển quảng cáo phải có giấy phép của Sở Văn hóa Thể thao, nếu không buộc phải che lại. Đối với các biển quảng cáo đã tháo rời, trơ khung sắt, phường cũng đang vận động các đơn vị che bạt kín tránh mất mỹ quan đô thị.

Trong những năm gần đây, Sở VH-TT đã kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm trong hoạt động quảng cáo, từ năm 2018 đến nay đã xử phạt hơn 7 tỷ đồng.

Theo đại diện UBND quận Hai Bà Trưng thì quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời đang gặp những khó khăn nhất định. Khi nội dung quảng cáo thì do ngành văn hóa quản lý, trong khi các khung sắt để dựng bảng quảng cáo lại do ngành xây dựng. Nếu xử lý nội dung thì gặp phòng văn hóa, xử lý các khung sắt gỉ sét thì phải lập hồ sơ xử lý như một công trình vi phạm trật tự xây dựng. “Do liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, văn bản hướng dẫn thực thi thiếu đồng bộ; ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo chưa cao nên rất khó khăn trong quản lý”, vị đại diện nêu.

Đề xuất cấp phép quảng cáo ngắn hạn dưới 1 năm

Liên quan đến hiện tượng bát nháo trong quảng cáo ngoài trời, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội (VH-TT) đã tổ chức đoàn kiểm tra, xử lý thông tin về quảng cáo ngoài trời.

Theo thống kê, bảng quảng cáo gắn tại công trình, nhà ở riêng lẻ, có 535 bảng quảng cáo tấm nhỏ, hiện nay sở đang thực hiện cấp văn bản chấp thuận thông báo sản phẩm quảng cáo đối với các đơn vị có hồ sơ đề nghị thông báo sản phẩm quảng cáo và đề nghị gia hạn theo quy định.

Về màn hình LED, hiện Hà Nội có 50 vị trí màn hình LED của 11 đơn vị thực hiện theo hình thức xã hội hóa tuyên truyền chính trị kết hợp quảng cáo thương mại đã được UBND TP chấp thuận. Thời hạn thí điểm là 1 năm, vị trí lắp dựng là trong khuôn viên hoặc gắn tường công trình là trụ sở của tổ chức. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số màn hình LED tự lắp dựng, không có sự đồng ý của thành phố gây khó khăn cho công tác quản lý và việc xử lý vi phạm vì chưa có chế tài xử phạt.

“Qua đợt kiểm tra này, đoàn kiểm tra nhận thấy việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của các quận, huyện thị xã về công tác quảng cáo, biển hiệu còn hạn chế, chưa thực sự quyết liệt để ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu, có nhiều quận, huyện, thị xã không xử phạt tiền trường hợp nào”, lãnh đạo Sở VH-TT nêu rõ.

Sở VH-TT đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật nhằm tạo sự đồng bộ thống nhất trong công tác quản lý; đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo quy định cho phù hợp với khoản 2 Điều 19 của Luật Quảng cáo. Đồng thời đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách đối với lĩnh vực quảng cáo, phối hợp với các Bộ ngành liên quan có hướng dẫn về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để lắp dựng công trình quảng cáo tại các vị trí quảng cáo đã được quy hoạch, ban hành quy định cụ thể quy trình, thủ tục về đấu thầu các vị trí quảng cáo theo quy định của Luật Quảng cáo để phù hợp thực tiễn quản lý và bảo đảm tính khả thi.

Với lĩnh vực xây dựng, Sở VH-TT đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi thông tư hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng, quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn trong việc cấp phép công trình quảng cáo.

Đặc biệt, đơn vị quản lý văn hóa đề xuất UBND TP Hà Nội đồng ý, cho phép sở tiếp nhận, giải quyết tạm thời với thời hạn dưới 1 năm đối với các hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo tấm lớn của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đủ điều kiện; cho phép tiếp tục gia hạn thời gian hoạt động đối với màn hình LED đã hết thời gian thực hiện thí điểm...

MỚI - NÓNG