Loay hoay bài toán xã hội hóa dịch vụ công ích

Tuyến phố phong cách Lê Trọng Tấn, Hà Nội đã xây dựng trước đó.
Tuyến phố phong cách Lê Trọng Tấn, Hà Nội đã xây dựng trước đó.
TP - Chủ trương huy động nguồn lực xã hội, kêu gọi doanh nghiệp tham gia chỉnh trang đô thị của thành phố Hà Nội được đánh giá cao. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp tích cực nộp hồ sơ nhưng chậm hoàn thiện đề án triển khai đặt ra nhiều vấn đề về tính hiệu quả khi thực hiện xã hội hóa.

Xã hội hóa dịch vụ công

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố hiện có khoảng 350 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) phân bố trên 10 quận nội thành và thị xã Sơn Tây. Theo ghi nhận của phóng viên, thực chất hầu hết các NVSCC đều phân bố trong các ngõ, ngách, phục vụ dân tại các khu tập thể, dân cư cũ. Trong khi đó, hàng nghìn tuyến đường, hàng trăm điểm vui chơi giải trí công cộng đều đang “trắng” NVSCC. Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho rằng: Đối với điểm thu hút du khách nhất Thủ đô là quận Hoàn Kiếm, các NVSCC đa số đều bẩn, xuống cấp khiến du khách nhiều khi không biết đi đâu “giải quyết” chuyện tế nhị. Trong khi đó, việc khuyến khích các nhà hàng, quán ăn cho du khách đi vệ sinh miễn phí vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Giữa lúc Hà Nội đang thiếu NVSCC, việc UBND thành phố giao Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì phối hợp với Cty CP Thương mại và Truyền thông VinaSing thực hiện quy hoạch, huy động kinh phí lắp đặt 1.000 NVSCC trên địa bàn thành phố được đánh giá rất cao. Đổi lại, Cty VinaSing sẽ được quyền khai thác quảng cáo ở một số vị trí lựa chọn trong thời gian là 10 năm. Tương tự, UBND thành phố tiếp tục giao Sở Xây dựng phối hợp với Cty Cổ phần Truyền thông MINH thực hiện Đề án 100 tuyến phố xanh, sạch, đẹp và phong cách nhằm tạo ra các tuyến phố đẹp và có phong cách, từ đó tạo ra các sản phẩm mới, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trên địa bàn.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị (HĐND thành phố Hà Nội) cho biết, trước đây áp dụng cơ chế dùng ngân sách đặt hàng, hiện nay thành phố chủ trương huy động thêm các nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, từ các nhà hảo tâm, cùng với ngân sách. Đồng thời, thành phố rà soát lại toàn bộ đơn giá, định mức đối với những phần phải duy tu bằng ngân sách mà không có xã hội hóa. Như vậy với đơn giá, định mức tới đây sẽ thực hiện theo tinh thần đảm bảo để cho đơn vị tham gia hoạt động này đủ bù đắp chi phí nhưng tính toán phải hợp lý, khoa học, sát thực tiễn, không để lãng phí trong thực hiện.

Ý tưởng chỉnh trang mới tồn tại trên giấy

Cty CP Truyền thông MINH được thành phố giao thực hiện 100 tuyến phố phong cách, nhưng theo thông tin PV thu thập được, doanh nghiệp chưa lập xong quy hoạch chi tiết danh sách các tuyến phố thực hiện, thậm chí chưa có thông tin cụ thể về kiểu cách, phương án thực hiện và kinh phí cho từng tuyến… đang đẩy các sở, ngành được giao phối hợp vào thế khó. “Đây là đề án rất rộng nên để làm tốt có thể phải tổ chức một cuộc thi tạo điều kiện cho các chuyên gia, kiến trúc sư đóng góp xây dựng”, một đại diện Cty CP Truyền thông MINH nói. Đại diện Cty còn cho biết, đề án giai đoạn 1 đã được nộp lên Sở Xây dựng, 100 tuyến phố này sẽ được thực hiện quy củ, phù hợp với từng tuyến phố chứ không phải làm “đồng phục hạ tầng, biển hiệu” như tuyến phố Lê Trọng Tấn. Trong khi đó, đại diện các cơ quan được phối hợp làm việc với doanh nghiệp khẳng định, doanh nghiệp mới đưa ra con số tổng vốn 200 tỷ đồng, chia đều cho 100 tuyến phố.Doanh nghiệp chưa nộp thông tin chi tiết về đề án.

Đối với kế hoạch xây dựng 1.000 NVSCC, ông Lê Minh Thơ, Chủ tịch HĐQT Cty CP VinaSing cho biết, trên cơ sở đề xuất của các quận, huyện, thành phố đã phê duyệt 400 vị trí đặt các NVSCC. Trong tháng 10 sẽ triển khai lắp đặt các NVSCC được phê duyệt. Được biết, chi phí mỗi  NVSCC là khoảng 150 triệu đồng, kinh phí thực hiện chủ yếu từ vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, cho đến nay mẫu NVSCC chưa được lựa chọn triển khai đại trà, kế hoạch khai thác quảng cáo của doanh nghiệp để bù lại nguồn vốn 100 tỷ dự kiến bỏ ra chưa được lập và gửi đến cơ quan chức năng thẩm định.

Có thể thấy, cả 2 Cty được thành phố giao thực hiện các đề án công ích đều là doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực truyền thông, không phải doanh nghiệp chuyên môn về các hoạt động thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì bảo dưỡng công trình. Đơn cử như Cty CP VinaSing, để xây NVSCC phải thuê một Cty chuyên về cơ khí, để vận hành phải thuê một đơn vị vệ sinh môi trường… Hay như Cty CP MINH, hiện vẫn đang lúng túng không biết bắt đầu việc thiết kế các tuyến phố phong cách từ đâu? Những tuyến phố nào sẽ được lựa chọn thử nghiệm? Việc phải thông qua khâu trung gian có thể khiến chi phí, giá thành đội lên cao, tiến độ triển khai đề án bị chậm tiến độ do phải phụ thuộc vào các đơn vị thiết kế, thi công.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, Sở vẫn chưa nhận được kế hoạch hay đề xuất của các Cty về các đề án trên. Vị này nêu quan điểm: Đây là những chủ trương đúng đắn của thành phố. Tuy nhiên, những công việc quy mô như 100 tuyến phố phong cách cần nghiên cứu thận trọng, đảm bảo cảnh quan, kiến trúc, những hoạt động riêng của tuyến phố, đảm bảo quản lý nhà nước, đảm bảo nhu cầu sáng tạo của người dân trong khuôn khổ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng nhận định, chủ trương xã hội hoá chỉ đạt được kết quả cao nếu các doanh nghiệp tham gia được giám sát kỹ lưỡng về năng lực, tiến độ thực hiện. “Xã hội hoá là chủ trương mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nhà nước. Theo tôi, Hà Nội cần công khai rõ lợi ích doanh nghiệp được hưởng khi tham gia, rồi tổ chức đấu thầu công khai thay vì chỉ định một vài doanh nghiệp thực hiện. Nếu tổ chức đấu thầu công khai, tôi tin những doanh nghiệp mạnh ở từng lĩnh vực sẽ sẵn sàng tham gia…”, bà An phân tích.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.