Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước:

Lo vòng xoáy giá 'cuốn trôi' người nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong bối cảnh tích lũy của người dân, doanh nghiệp đã “trôi” gần hết sau 2 năm đại dịch COVID-19, áp lực lạm phát, giá cả leo cao trở thành mối lo lớn nhất được nhiều đại biểu nêu ra tại thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước, sáng 25/5.

Lạm phát tác động đến từng bữa ăn

Tại tổ TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tình hình kinh tế, xã hội thời gian qua có những dấu hiệu đáng mừng, từ các chỉ số tăng trưởng, thu ngân sách, xuất nhập khẩu… Tuy nhiên, Chủ tịch nước lưu ý không được chủ quan, thỏa mãn bởi những khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh “tiết kiệm của người dân, tích luỹ của doanh nghiệp đã tiêu tốn gần hết sau 2 năm đại dịch”.

Khó khăn trước mắt được Chủ tịch nước chỉ ra là dấu hiệu lạm phát, giá năng lượng toàn cầu tăng, tiếp tục “thâm nhập” sâu vào nền kinh tế khiến các yếu tố đầu vào tăng cao, kéo nền kinh tế vào khó khăn chung. Trong khi đó, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng lại “bốc hơi” hàng tỷ USD thời gian gần đây.

Trước bối cảnh đó, Chủ tịch nước đề nghị có biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn để giúp dòng vốn đến với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và quyết định đến tăng trưởng. “Gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn nữa, đi vào cuộc sống để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”, Chủ tịch nước nói.

Lo vòng xoáy giá 'cuốn trôi' người nghèo ảnh 1

ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị)

Cùng chung mối lo, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng chỉ số CPI tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi tháng 4 đã tăng 2,09% so với cuối năm 2021. Lạm phát từ cuối 2021 đến nay đã tăng gấp 2 lần cùng kỳ giai đoạn 2018- 2021 là “con số rất báo động”. “Chúng ta chưa có giải pháp căn cơ chiến lược về xăng dầu, chưa có sự chuẩn bị nguồn cung ứng và giá cả. Lượng dự trữ xăng dầu của Việt Nam rất bị động, không đảm bảo chiến lược lâu dài”, ông Thắng nói.

“Các con đại bàng lớn mà chúng ta mong sẽ dẫn dắt nền kinh tế như FLC hay Tân Hoàng Minh lại đang rụng lông, gãy cánh. Vậy sức khỏe thực sự của các tập đoàn kinh tế lớn hiện nay là gì?”.

ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị)

Trước mối lo lạm phát đang phải đối mặt, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề xuất, cần phải dùng “thuốc liều cao”, thắt chặt chính sách tài khóa, chặt chẽ chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Vị ĐB này đề nghị đặc biệt lưu ý đến vấn đề “giá xăng dầu tăng liên tục”. Chính phủ, Quốc hội cần có giải pháp để nhanh chóng kiểm soát giá xăng dầu. Theo ông Ngân, chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường song cần phải có công cụ kiểm soát, kìm hãm độ tăng giá xăng dầu, như tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, rồi thuế tiêu thụ đặc biệt không có lý do gì để ở mức cao trong thời điểm hiện nay khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu.

Lo vòng xoáy giá 'cuốn trôi' người nghèo ảnh 2

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM)

“Việc này Quốc hội phải có ý kiến và kỳ họp này nếu được thì Quốc hội nên đưa vấn đề vào chương trình để xem xét, có thể dành một buổi trong tuần để bàn. Không kiểm soát giá xăng dầu thì sẽ kéo theo tăng giá các mặt hàng khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân trong khi sau hơn 2 năm dịch bệnh lấy đi hết tiết kiệm của họ, và hiện người dân rất khó khăn”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

“Quốc hội phải có ý kiến về giá xăng dầu. Kỳ họp này nếu được thì Quốc hội nên đưa vấn đề vào chương trình xem xét, có thể dành một buổi trong tuần để bàn. Không kiểm soát giá xăng dầu thì sẽ kéo theo tăng giá đến các mặt hàng khác”.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM)

Tiền có nhưng khó tiêu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, nền kinh tế đang đối mặt lạm phát và lãi suất ngân hàng. Hiện lãi suất của ngân hàng thương mại tiền gửi đã 7,3%, vậy nên lãi suất cho vay phải trên 10%, gây áp lực lên các doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp vay lãi suất cao thì giá thành sản xuất cao, tạo khó khăn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Một số ngân hàng thương mại cũng khó khăn, nợ xấu cao, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó khăn. Qua đó ảnh hưởng đến việc làm, thu ngân sách”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Để chống lạm phát, trong giai đoạn hiện nay, ông Phớc cho rằng, các cấp, ngành phải tập trung vào giải phóng mặt bằng, thúc đẩy sản xuất, và tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư công. Nếu công trình bàn giao nhanh đưa vào sử dụng thì lạm phát sẽ không tác động nhiều. Ngược lại, công trình kéo dài năm này qua năm khác, doanh nghiệp sẽ lỗ, sức sống của nền kinh tế giảm đi.

Từ thực tế đi khảo sát ở một số công trình, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cảnh báo, sức ép lạm phát, giá cả leo thang đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án đầu tư xây dựng. “Khi ký hợp đồng các doanh nghiệp thực hiện theo đơn giá. Nhưng giá cả tăng cao khiến một số doanh nghiệp phải dừng thi công, nếu thực hiện nữa là lỗ. Trong bối cảnh này chúng ta có tính theo đơn giá không hay linh hoạt? Cứ như thế này, rất nhiều dự án sẽ bị ảnh hưởng bởi giá cả leo thang”, ông An cảnh báo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng bày tỏ sự băn khoăn trước tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. Theo ông Huệ, năm 2020 tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 78%, riêng giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 32,85%. 4 tháng đầu năm 2022 chỉ giải ngân đầu tư công được hơn 18%, còn gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế thì “chưa giải ngân được đồng nào”. “Hôm qua Chính phủ mới gửi danh mục sang, nhưng chỉ có tên danh mục chứ không phải là đã chuẩn bị đầu tư xong. Đặc biệt 14.000 tỷ đồng cho lĩnh vực y tế chưa có danh mục nào”, Chủ tịch Quốc hội thông tin.

“Cũng có người nói cần có giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ, kéo dài, trầm kha. Nhưng giải pháp mới là gì? Ta không bàn cái này thì Quốc hội họp xong, Chính phủ họp xong rồi vẫn cứ tắc”, Chủ tịch Quốc hội nói.

MỚI - NÓNG
Những vị trí xây 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam
Những vị trí xây 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam
TPO - Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư để xây dựng 8 trạm dừng nghỉ đầu tiên trên cao tốc Bắc - Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam (CTVN) vừa cho biết, các nhà thầu đang khẩn trương thống nhất vị trí, diện tích cụ thể để xây dựng và xong cơ bản các trạm này, phục vụ người dân trước Tết Nguyên đán.