Đại biểu Quốc hội: Không kiểm soát giá xăng dầu sẽ dẫn đến 'domino' tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cảnh báo, nếu không kiểm soát giá xăng dầu thì “domino” tăng giá đến các mặt hàng khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân trong khi sau hơn 2 năm dịch bệnh lấy đi hết tiết kiệm của họ.

Quốc hội cần lên tiếng để kiểm soát ngay giá xăng dầu

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội. Tại tổ TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế, xã hội có những dấu hiệu đáng mừng, từ tăng trưởng, thu ngân sách, giá trị xuất nhập khẩu…

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng lưu ý không được chủ quan, thỏa mãn, bởi còn nhiều khó khăn, thách thức trước mắt khi mà tiết kiệm người dân, tích luỹ của doanh nghiệp đã tiêu tốn gần hết trong đại dịch. Trước mắt là dấu hiệu lạm phát khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao; giá cả năng lượng toàn cầu chu kỳ này tiếp tục thâm nhập sâu vào nền kinh tế Việt Nam. Các yếu tố đầu vào cũng tăng, kéo theo nền kinh tế vào khó khăn chung.

Đại biểu Quốc hội: Không kiểm soát giá xăng dầu sẽ dẫn đến 'domino' tăng giá ảnh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tổ (ảnh Nhật Minh)

Lưu ý gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn nữa, đi vào cuộc sống để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn tiêu đề một bài báo rằng “Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo”.

Đại biểu Quốc hội: Không kiểm soát giá xăng dầu sẽ dẫn đến 'domino' tăng giá ảnh 2

ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị kiểm soát giá xăng dầu

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, trước tình trạng lạm phát đang phải đối mặt, buộc phải “dùng thuốc liều cao”, thắt chặt chính sách tài khoá, chặt chẽ chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Vị đại biểu này cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề “giá xăng dầu tăng liên tục”. Chính phủ, Quốc hội cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát ngay giá xăng dầu. Theo ông Ngân, chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường song cần phải có công cụ kiểm soát, kìm hãm độ tăng giá xăng dầu, như tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, rồi thuế tiêu thụ đặc biệt không có lý do gì đánh trong thời điểm hiện nay khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu.

“Việc này Quốc hội phải có ý kiến và kỳ họp này nếu được thì Quốc hội nên đưa vấn đề vào xem xét, có thể dành một buổi tối trong tuần để bàn. Không kiểm soát giá xăng dầu thì sẽ domino tăng giá đến các mặt hàng khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân trong khi sau hơn 2 năm dịch bệnh lấy đi hết tiết kiệm của họ, và hiện người dân rất khó khăn”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

“Mời cả nội chính, thanh tra, công an vào mà cũng không mua được”

Nói về giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cả năm 2020 tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 78%, riêng giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 32,85%. 4 tháng đầu năm 2022 chỉ giải ngân được hơn 18%, còn gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế thì “chưa giải ngân được đồng nào”.

Đại biểu Quốc hội: Không kiểm soát giá xăng dầu sẽ dẫn đến 'domino' tăng giá ảnh 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (ảnh Nhật Minh)

“Hôm qua Chính phủ mới gửi danh mục sang, nhưng mà danh mục nhưng chỉ có tên danh mục chứ không phải là loại dự án đã chuẩn bị đầu tư xong. Đặc biệt 14.000 tỉ cho lĩnh vực y tế chưa có danh mục nào”, Chủ tịch Quốc hội thông tin.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay, ngân sách thì có nhưng không dám mua. Ngay cả mua sắm liên quan phòng, chống dịch, Quốc hội rồi Chính phủ đã có nghị quyết cho mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt nhưng một số nơi không dám mua, một số nơi mua thì sai phạm.

Trong giai đoạn phục hồi kinh tế mà rơi vào tình trạng có tiền không tiêu được thì sẽ rất khó khăn. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: phải chăng khâu chuẩn bị đầu tư chưa tốt? Dẫn ví dụ ngân sách năm 2020 phải chuyển nguồn sang các năm sau 600.000 - 700.000 tỉ đồng. “Cũng có người nói cần có giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ, kéo dài, trầm kha. Nhưng giải pháp mới là gì? Ta không bàn cái này thì Quốc hội họp xong, Chính phủ họp xong rồi vẫn cứ tắc”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, một số địa phương khi mua sắm thì mời cả cơ quan nội chính, thanh tra, công an vào ngồi hội đồng nhưng vẫn không mua được. “Lạ thế! Mời như thế có khi chẳng hợp lý đâu. Bản thân chúng ta đều muốn cho minh bạch, rõ ràng nhưng vẫn cứ không mua sắm, chi tiêu được. Đây là cái hiện nay băn khoăn nhất”, Chủ tịch Quốc hội nói.

MỚI - NÓNG